Đường lên Tiên Cảnh đầy nắng, thứ nắng màu mật ong chỉ có ở miền cây xanh bạt ngàn. Nhưng khi đoàn du khách “đổ quân” xuống khu vườn - homestay Đào Gia Trang ở làng Lộc Yên thì gặp ngay cơn mưa núi. Cơn mưa mát dịu nhưng lại khiến dạ dày sôi réo. Ai cũng thấy đói bụng. Đói hay nói chuyện ăn. Mùi thơm từ khu bếp bay ra làm ai nấy xôn xao.
Đĩa mít trộn ở Tiên Cảnh |
TRẦN CAO DUYÊN |
Một người sành ăn, hít hà nói cái mùi mộc mạc “chân thành” này chỉ có thể là mít trộn. Nhưng cũng có người cãi, nói mít trộn sao không nghe mùi tôm, mùi thịt ba chỉ gì hết trơn. Có người phản biện, thôi đi ông ơi, nguyên liệu làm nên “hồn cốt” của món mít trộn là mít, trộn với gia vị và mấy loại rau vườn. Còn các thứ tôm, thịt ba chỉ... là phép cộng đơn thuần khi làm món mít trộn của người miền xuôi mà thôi.
Một ông tóc bạc cười hóm hỉnh, nói tui ăn mít trộn hơn nửa thế kỷ rồi nên kinh nghiệm rằng ai sành ẩm thực thì đều biết chút ít về... âm nhạc. Ta cứ coi phụ gia của món mít trộn như những ngón đệm của một bài hát mà mỗi đầu bếp/nhạc công có cách biến tấu khác nhau. Nhưng gì thì gì chứ trộn lung tung chưa chắc đi tới cái đích là món ngon thuần khiết, ổn định và truyền đời như món mít trộn giản đơn trên Tiên Cảnh.
Có thể nói nơi nào có mít là nơi đó có món mít trộn (còn gọi là gỏi mít). Nhưng điều khác biệt của từng nơi là cái gì đi với mít? Bún mì, chả cá, nấm, ruốc khô, da heo, tóp mỡ, tôm, thịt ba chỉ, mực một nắng xé sợi... đều có thể dùng để trộn với mít. Vậy chỉ nên cho rằng món mít trộn kiểu này tuyệt, kiểu kia ngon, kiểu nọ được. Nói cách khác, với mít trộn không có đúng sai, chỉ có “đỉnh” hay chưa tới “đỉnh” mà thôi.
Có lẽ chỉ có loại hình du lịch homestay mới tạo ra được sự thân thiện tự nhiên giữa chủ với khách như người trong nhà. Chị đầu bếp vừa làm món mít trộn, vừa xởi lởi tươi cười cho biết mít chọn làm món trộn phải là mít non. Đó là những trái mít da tươi xanh, gai khá nhọn (còn gọi là con mắt mít) nằm sát nhau, dáng trái mít tròn đều, không có tì vết. Sau khi xắt bỏ cùi, trái mít được xẻ làm ba bốn miếng rồi đem luộc. Phải chú ý độ lửa để nước sôi vừa phải cho miếng mít chín mềm, đều. Xắt mít thật nhỏ rồi trộn với rau húng, rau răm, lá lốt cùng gia vị vừa miệng. Rắc đậu phộng lên trên. Vậy là xong món mít trộn nguyên bản Tiên Cảnh.
Bữa đó đoàn Quảng Ngãi có bữa ăn trưa trong không gian đẹp như “tiên cảnh”. Trên đầu là cây lá. Dưới chân là cỏ hoa. Thi thoảng nghe được tiếng suối vọng về. Bàn ăn món nào cũng ngon, nhưng phần lớn những đôi đũa lại ghé đĩa mít trộn. Ban đầu là ăn nhỏ nhẻ để lắng nghe và “thẩm xét”. Sau thì tay gắp miệng nói ngon ngon. Tiếng mít non giòn thầm, mùi mít non ngòn ngọt, thơm dịu. Mùi lá húng lấn lướt. Mùi rau răm nồng đượm. Vị tiêu rừng cay cay phảng phất mùi vỏ chanh. Riêng mùi lá lốt là khiêm nhường đằm thắm. Chỉ một ít gia vị mắm muối đường, còn lại toàn nguyên liệu mộc mạc mà món mít trộn ngon lạ ngon lùng.
Đĩa mít trộn to tú hụ nhưng vơi nhanh nhất. Ông tóc bạc nói thấy chưa, mít trộn ở Tiên Cảnh không có thịt, cũng chẳng có tôm mà ai cũng... chồm tới gắp. Đúng là món này ăn “vào” thật. Ông cúi đầu ghi ghi chép chép rồi “buộc” mọi người im lặng nghe... thơ ông: “Mít trộn Tiên Cảnh quá ngon/ Về... trần gian nhớ mỏi mòn từ đây”.
Bình luận (0)