Huy động đội cấp cứu hỗ trợ các ca trong sự cố tiêm chủng tại Thanh Hóa

Liên Châu
Liên Châu
25/11/2021 13:47 GMT+7

Hôm nay 25.11, Bộ Y tế có Công văn số 1002 gửi sở y tế Thanh Hóa và Bệnh viện Bạch Mai về việc tăng cường cấp cứu các trường hợp sự cố tiêm chủng.

Các điểm tiêm chủng phải đảm bảo đủ phương tiện, thuốc và nhân lực cấp cứu khi có ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trước đó, ngày 24.11, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa về sự cố tiêm chủng tại tỉnh này, xảy ra tại H.Nông Cống.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phối hợp, tập trung mọi nguồn lực theo dõi sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho các trường hợp gặp sự cố tiêm chủng.

Trong quá trình theo dõi, cấp cứu, điều trị, nếu có khó khăn, đề nghị báo cáo khẩn về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hỗ trợ theo số máy trực đường dây nóng 0984371919 và hộp thư cdc.kcb@gmail.com.

Covid-19 sáng 25.11:1.155.778 ca nhiễm | Nhiều nhầm lẫn về gói hỗ trợ đợt 3

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, khắc phục các nguy cơ chưa an toàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20.7.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Nếu cơ sở tiêm không không đạt yêu cầu về các tiêu chí thì tạm đình chỉ để bổ sung, chấn chỉnh.

Đồng thời, báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục huy động chuyên gia hỗ trợ cấp cứu người bệnh (nếu cần).

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai (tại Hà Nội) khẩn trương cử đội cấp cứu (bác sĩ, điều dưỡng hồi sức tích cực) chi viện cho Sở Y tế Thanh Hóa để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Để phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin Covid-19, mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ như: khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, ỉa chảy... thì phải tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi), sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT. (Bộ Y tế)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.