Huy động quân đội chống dịch Covid-19

Bảo Vinh
Bảo Vinh
22/03/2020 02:45 GMT+7

Nhiều nước đã triển khai quân đội, đồng thời viện dẫn các điều luật quốc phòng để chống dịch Covid-19 .

Mỹ áp dụng đạo luật quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21.3 kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm gia tăng nguồn cung các thiết bị giúp chống đại dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, máy thở ô xy, bao tay...
Đạo luật có từ thời chiến này cho chính quyền liên bang thẩm quyền để bắt buộc các công ty tư nhân ưu tiên thực hiện hợp đồng với chính quyền, nhằm đẩy nhanh việc sản xuất các sản phẩm đặc biệt cần thiết. Đạo luật này từng được kích hoạt để ứng phó tình huống khẩn cấp trong chiến tranh, thiên tai và khủng bố, theo AP.

[VIDEO] Ông Trump dùng đạo luật thời chiến để đối phó Covid-19

Đến nay, chính quyền Mỹ đã triển khai vệ binh quốc gia tại 22 tiểu bang để hỗ trợ một số công tác hậu cần. Tham mưu trưởng lục quân James McConville hồi đầu tháng 3 cho biết các nhà nghiên cứu y tế hàng đầu của quân đội Mỹ từng phát triển các loại vắc xin Ebola, Zika, MERS, đang nỗ lực phát triển vắc xin phòng Covid-19, theo chuyên san Breaking Defense.
Tại một số nước khác, dù chính quyền một số nước đã ban hành quy định phong tỏa hoặc hạn chế di chuyển, nhưng số ca nhiễm vẫn tăng cao. Vì thế, các nước như Philippines, Malaysia, Thụy Sĩ hay Pháp quyết định huy động quân đội để hỗ trợ cho các cơ quan dân sự.
Theo CNN, chính quyền Ý ngày 20.3 điều động thêm 114 binh sĩ đến vùng Lombardy để siết chặt kỷ luật vì lệnh phong tỏa bị đánh giá là chưa đủ nghiêm ngặt và số người nhiễm tiếp tục tăng. Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc giảm tải cho lực lượng hành pháp địa phương, sự xuất hiện của binh lính cũng tạo cảm giác yên tâm cho người dân về việc tình hình sẽ được kiểm soát.

[VIDEO] Quân đội sẵn sàng trợ giúp, thủ tướng Anh hi vọng dập dịch Covid-19 trong 12 tuần

Tại Tây Ban Nha, quân đội đã triển khai 1.100 lính thuộc Đơn vị khẩn cấp quân sự (UME) để hỗ trợ cảnh sát thực thi lệnh phong tỏa. Trong thời điểm cả nước bị đặt trong tình trạng báo động, binh lính được coi như đại diện cho cơ quan có thẩm quyền và có quyền ra lệnh cho người dân thực thi các quy định hạn chế đi lại. Những người không chấp hành có thể bị buộc tội bất tuân và bị phạt tiền, thậm chí là phạt tù.
UME được thành lập với nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tình trạng khẩn cấp. Lực lượng này hiện có khoảng 3.500 lính với xe bọc thép, trực thăng, trung tâm chỉ huy di động...
Chính quyền Thụy Sĩ từ ngày 16.3 đã huy động đến 8.000 binh sĩ làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh, hậu cần và y tế cho các vùng bị ảnh hưởng. Theo đó, binh lính được điều động để giảm tải cho cảnh sát và lính biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các sân bay, biên giới hay cơ quan ngoại giao. Một bộ phận khác giúp điều trị, chăm sóc bệnh nhân và phần còn lại giúp vận chuyển bệnh nhân, thiết bị y tế, xây dựng bệnh viện, theo trang Swissinfo.ch.

Đảm trách nhiều vai trò

Ngoài công tác an ninh, quân đội còn có thể đảm trách nhiều vai trò khác tùy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Bộ Quốc phòng Ý đang sử dụng các nhà máy của quân đội để sản xuất khẩu trang y tế và nước tẩy trùng.
Bên cạnh đó, quân đội cũng điều động kỹ sư để giúp Hãng Siare Engineering đẩy mạnh sản xuất máy thở ô xy.
Tại Pháp, các máy bay vận tải của không quân được huy động để sơ tán bệnh nhân đến bệnh viện hoặc đưa công dân về nước. Bên cạnh đó, quân đội đang thành lập bệnh viện dã chiến ở vùng Alsace, một trong những nơi có số ca nhiễm nhiều nhất.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer mới đây kêu gọi toàn bộ lính dự bị tham gia điều trị bệnh nhân, hỗ trợ cảnh sát địa phương và vận chuyển hàng hóa.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh sẽ thành lập lực lượng hỗ trợ 20.000 lính và có thể huy động thêm lính dự bị nếu cần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.