Huy động vàng trong dân: Được không?

Chuyện huy động vàng trong dân khó mà cũng dễ. Khó nếu không xây dựng được niềm tin. Ngược lại, chỉ cần nhà nước minh bạch, công khai, quyết tâm chống tham nhũng, vực dậy lòng tin của nhân dân thì mọi chuyện từ khó trở thành dễ.

Nhiều ngày qua thông tin huy động vàng trong dân được báo chí liên tục đăng tải, kiến nghị về việc thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia cũng được đưa ra nhằm hiện thực hóa chủ trương này. Xung quanh vấn đề này có nhiều câu hỏi được đưa ra: “Huy động 500 tấn vàng trong dân, nên chăng?”, “Làm sao để 500 tấn vàng chui ra khỏi hũ?”… Tuy nhiên, theo ý kiến của người viết bài này, câu hỏi quan trọng nhất lúc này là: Huy động vàng trong dân: được không?.
Theo ước lượng của các chuyên gia kinh tế, hiện nay dân Việt đang dự trữ khoảng 500 tấn vàng, nếu số lượng này chính xác thì dân ta đang cất khoảng 20 tỷ USD, tương đương gần 1/10 GDP cả nước. So với các nước phát triển, 20 tỷ đô la là số tiền không lớn, nhưng với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bội chi ngân sách thì 20 tỉ Mỹ kim là số tiền khổng lồ.
Có nhân dân là có tất cả, không có thế lực thù địch nào đáng sợ bằng sự sụt giảm niềm tin của nhân dân. Bài học cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị, đó là bài học về gần dân, tin dân, trọng dân, biết khoan thư sức dân và lấy dân làm kế bền gốc sâu rễ.
Việc nhà nước “nhòm ngó” vàng trong dân lần này khiến chúng ta nhớ lại những năm đầu sau cách mạng tháng 8.1945. Khi thực dân Pháp đầu hàng, Nhật rút chạy, các thế lực chống phá cách mạng đã vơ vét sạch ngân khố quốc gia, lúc đó số tiền còn lại trong ngân hàng Đông Dương chỉ còn lại khoảng 1 triệu tiền Đông Dương, đa số là tiền rách.
Ngay sau đó, Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã phát động toàn dân quyên góp kim loại quý, tiền bạc để góp phần xây dựng đất nước. Và kết quả thật mỹ mãn, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng chục triệu đồng tiền mặt được thu về, vài chục tấn vàng, kể cả nữ trang, những món đồ biếu tặng thiêng liêng cũng được người dân tự nguyện đóng góp. Đây là nội lực không nhỏ giúp chính quyền cách mạng non trẻ vượt qua được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhưng đây là câu chuyện của 70 năm về trước, sở dĩ chính quyền cách mạng non trẻ có thể vượt qua muôn vàn khó khăn là nhờ vào niềm tin của quần chúng với Đảng, nhà nước, niềm tin về sự trong sáng của người cán bộ, nhân dân có thể sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại, đó là tinh thần yêu nước.
Hiện nay, đất nước vẫn đang cần nguồn tiền lớn để giải quyết nhiều công việc hệ trọng, khó khăn về bản chất vẫn là cần tiền, duy chỉ có thời cuộc, bối cảnh đã đổi thay. Có một sự thật cần phải nhìn thẳng vào nó là vấn nạn tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm làm thất thoát rất lớn vật chất, của cải; một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm sút niềm tin của nhân dân…
Chuyện huy động vàng trong dân rất khó mà cũng dễ. Khó nếu không xây dựng được niềm tin vững chắc. Ngược lại, chỉ cần nhà nước minh bạch, công khai, quyết tâm chống tệ tham nhũng, vực dậy lòng tin của nhân dân thì mọi chuyện từ khó trở thành dễ. Bản chất của vấn đề là nhà nước sẽ đóng vai trò người đi vay bằng nhiều hình thức như huy động gửi vàng với lãi suất cao, tạo kênh đầu tư phổ thông… Nhưng dù làm gì chăng nữa thì yếu tố tiên quyết vẫn là làm cho dân tin.
Có nhân dân là có tất cả, không có thế lực thù địch nào đáng sợ bằng sự sụt giảm niềm tin của nhân dân. Bài học cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị, đó là bài học về gần dân, tin dân, trọng dân, biết khoan thư sức dân và lấy dân làm kế bền gốc sâu rễ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.