IFAB hoạt động như thế nào?

04/03/2020 09:37 GMT+7

Phiên họp hàng năm của IFAB (International Football Association Board), vừa diễn ra cuối tuần qua tại Bắc Ireland, được mô tả "như một sự rón rén". Có những hứa hẹn "xem xét", "tiếp tục nghiên cứu" hoặc "dự định thử nghiệm", nhưng tóm lại, chẳng có thay đổi chính thức nào trong năm nay.

IFAB là tổ chức duy nhất trên thế giới sở hữu, quản lý và có quyền thay đổi luật bóng đá. Tổ chức này ra đời trước cả FIFA và tồn tại độc lập với FIFA đến tận bây giờ. Ban đầu, IFAB được thành lập vào năm 1886, chủ yếu là để dung hòa vài khác biệt nhỏ trong luật bóng đá riêng rẽ của Anh, Xứ Wales, Scotland và Ireland (Bắc Ireland xuất hiện từ năm 1921). Từ đó, luật bóng đá chính thức ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Khi FIFA được thành lập vào năm 1904 thì tổ chức này tôn trọng tuyệt đối luật bóng đá của IFAB. Bây giờ thì ai cũng biết: luật bóng đá chỉ được thay đổi nếu có sự đồng thuận của ít nhất 75% số thành viên, tức 6/8 phiếu thuận, trong phiên họp hàng năm của IFAB. Cơ cấu thành viên gồm 4 suất cho FIFA và 4 suất cho quê hương bóng đá - tức Anh, Scotland, Bắc Ireland, Xứ Wales, mỗi nước một suất. Điều này tạo sự cân bằng quyền lực: chỉ có thể đổi luật bóng đá nếu FIFA ủng hộ, nhưng bản thân FIFA lại chưa đủ quyền lực để thay đổi luật bóng đá.
Phiên họp vừa qua tại Bắc Ireland là phiên họp thường niên thứ 134 của IFAB (thật ra, mỗi năm IFAB còn có một phiên họp nữa, để giải quyết những việc nội bộ của họ).
Thành viên bỏ phiếu của quê hương bóng đá đều là tổng thư ký của các LĐBĐ Anh, Scotland, Bắc Ireland, Xứ Wales. Thành viên bỏ phiếu của FIFA là 4 vị do tổ chức này cử ra. Điều thú vị là: tại sao có đến 29 nhân vật xuất hiện trong bức ảnh của IFAB trong phiên họp vừa qua? Đấy là bởi ngoài 8 thành viên có quyền bỏ phiếu, IFAB còn có khá nhiều tiểu ban chuyên môn, phụ trách các phần việc quan trọng theo danh nghĩa cố vấn, chưa kể các bộ phận lo về hành chánh, pháp lý.
Về mặt thực chất, chính các "nhân vật phụ" mới là những người làm việc chủ yếu trong khi 8 "ông lớn" có quyền lực tối thượng - chẳng hạn chủ tịch FIFA Gianni Infantino, có lẽ... không làm gì cả, ngoài việc bỏ phiếu. Hãy thử hình dung: chẳng lẽ Infantino lại đau đáu nghiền ngẫm quanh năm về luật việt vị hoặc những chỗ mấu chốt của VAR!

IFAB trong cuộc họp thường niên mới đây tại Bắc Ireland

FIFA.com

Tiểu ban chuyên môn (đa số gồm các cựu trọng tài giỏi) và tiểu ban bóng đá (đa số là cựu cầu thủ hoặc HLV) là hai bộ phận quan trọng, có ảnh hưởng nhiều nhất trong việc đề xuất ý tưởng và ban bạc, tranh luận, trước khi các "sếp" IFAB bỏ phiếu điều chỉnh luật bóng đá. Luis Figo, Hidetoshi Nakata, Zvonimir Boban, Pierluigi Collina, Arsene Wenger, Francisco Maturana... là các nhân vật nổi tiếng đã hoặc đang làm việc ở các bộ phận này.
Vấn đề nóng bỏng nhất trong cuộc họp vừa qua, mà IFAB hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, là ý tưởng của cựu HLV Arsenal Arsene Wenger. Theo ông, vấn đề của các tình huống việt vị do VAR quyết định, thường xuyên gây tranh cãi ở Premier League, chẳng phải là "đã việt vị hay chưa", mà là nó có đúng với tinh thần bóng đá hay không. Có gì hay ho khi người ta nhờ vào công nghệ và xem đi xem lại để biết rằng tiền đạo vừa ghi bàn đã việt vị vài mm hoặc việt vị chỉ vì một chiếc mũi cao? Nếu bảo "luật là luật" thì quá đơn giản, nhưng sao không thể sửa luật?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.