IFC thu về bao nhiêu từ vụ thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng An Bình?

23/05/2024 15:27 GMT+7

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã tiến hành thoái toàn bộ 84 triệu cổ phiếu sau 14 năm 'se duyên' với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, mã cổ phiếu ABB).

IFC thu về bao nhiêu tiền sau 14 năm đầu tư?

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, mã cổ phiếu ABB) - nhà băng gắn với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền (Phó chủ tịch thường trực HĐQT) vừa có thông báo quan trọng về cơ cấu sở hữu cổ đông nước ngoài. Theo đó, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã tiến hành thoái toàn bộ 84 triệu cổ phiếu sau 14 năm "se duyên" với nhà băng này. 

IFC thoái toàn bộ vốn không còn là cổ đông của ABBANK

IFC thoái toàn bộ vốn không còn là cổ đông của ABBANK

ABBANK

Cụ thể, thông cáo của ABBANK phát đi cho biết, ngày 22.5, IFC đã thực hiện khớp lệnh bán hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại ABBANK theo lộ trình thoái vốn đã thống nhất.

Trước đó, vào năm 2010, ABBANK có một thương vụ đình đám với IFC. Theo thông tin ABBANK công bố, IFC đã đầu tư vào ngân hàng, bao gồm việc mua 480 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (khoảng 24,5 triệu USD), cho phép IFC sở hữu 10% vốn điều lệ của ABBANK sau khi chuyển đổi và 312 tỉ đồng (khoảng 16 triệu USD) trái phiếu thường do ngân hàng phát hành.

Tổng thương vụ góp vốn này của IFC lên tới 40,5 triệu USD. Vậy IFC thu lại bao nhiêu tiền sau khi thoái vốn?

Trong phiên giao dịch ngày 21.5, ABBANK khớp lệnh với khối lượng kỷ lục kể từ khi lên sàn hơn 68,7 triệu cổ phiếu. Tiếp đó ngày 22.5, khối lượng đạt khoảng 15,76 triệu.

Như vậy có thể thấy, đây là 2 phiên mà IFC đã tiến hành bán cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Với mức giá bình quân của 2 phiên này khoảng 8.800 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị mà IFC thu về khoảng 739 tỉ đồng (khoảng 29,65 triệu USD, theo tỷ giá là 25.000 đồng/USD).

ABBANK không công bố thông tin liên quan tới trái phiếu thường mà IFC đã mua. Tuy nhiên, với tổng giá trị thoái vốn thu về khoảng 29,65 triệu USD và tổng mức đầu tư ban đầu 40,5 triệu USD, sau 14 năm "se duyên" với ABBANK, đây có thể coi là một thương vụ đầu tư không thực sự hấp dẫn của tổ chức tài chính này.

Theo thông cáo của ABBANK, sau khi hoàn thành giao dịch, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBANK hiện cổ đông nước ngoài lớn nhất của nhà băng này là Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaysia với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.

ABBANK được thành lập năm 1993 với số vốn điều lệ 165 tỉ đồng. Trải qua hơn 31 năm phát triển, thương hiệu ABBank gắn với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, được rất nhiều người biết đến và ghi dấu trên thương trường.

Tuy nhiên, trong 6 năm trở lại đây, ABBANK có khá nhiều thay đổi, đặc biệt ở vị trí người đứng đầu ban điều hành. Từ năm 2018 đến thời điểm hiện tại, ngân hàng 6 lần thay tổng giám đốc.

Liên tục thay tổng giám đốc

Theo giới thiệu của ngân hàng, quyền tổng giám đốc hiện nay là ông Phạm Duy Hiếu. Ông Hiếu được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc và được giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBANK kể từ ngày 10.8.2023.

ABBANK có quý 1/2024 kinh doanh khá khó khăn khi lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng cao

ABBANK có quý 1/2024 kinh doanh khá khó khăn khi lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng cao

ABBANK

Trước ông Hiếu, vị trí tổng giám đốc thuộc về bà Lê Thị Bích Phượng. Bà Phượng được bổ nhiệm vào ngày 30.1.2023. Nhưng chưa đầy 8 tháng thì bà Phượng gửi đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Người tiền nhiệm của bà Phượng là ông Nguyễn Mạnh Quân. Ông Quân được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc vào ngày 3.3.2022, song chưa đầy 1 năm, lãnh đạo này cũng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Trước ông Quân, ghế tổng giám đốc thuộc về ông Lê Hải. Ông Hải được bổ nhiệm ngày 30.9.2020.

Trước ông Hải, ABBANK cũng liên tục xáo trộn ghế tổng giám đốc. Cụ thể, vào tháng 5.2018, ABBANK bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa, cựu CEO Tập đoàn Vingroup, làm Tổng giám đốc. Đến tháng 10.2018, ABBANK lại có tân Tổng giám đốc mới là ông Phạm Duy Hiếu. Tháng 4.2020, vị trí CEO tại ABBANK được chuyển sang ông Lê Hải. Sau chưa đầy 2 năm, ông Lê Hải đã có đơn từ nhiệm vị trí này.

ABBANK có lẽ là nhà băng duy nhất giữ kỷ lục thay ghế tổng giám đốc trong một thời gian ngắn. Chỉ trong vòng 6 năm nhà băng này có 6 lần thay đổi, và chiếc "ghế nóng" này sau 5 lần đổi chủ đã lại quay trở về ông Phạm Duy Hiếu.

Lợi nhuận giảm 68,5%, nợ xấu tăng 34%

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của ABBANK, tổng tài sản của nhà băng này giảm 10,67% từ mức hơn 162.000 tỉ đồng trong quý 1/2023 xuống còn 144.7 tỉ đồng. Đáng chú ý, thu nhập lãi thuần kỳ này cũng giảm 16,4% từ 790 tỉ đồng xuống còn hơn 660 tỉ đồng. Mảng dịch vụ vốn là "trend" chiến lược của tất cả các nhà băng, thì lãi từ hoạt động dịch vụ của ABBANK giảm 27,7% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh kém khả quan, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 49,3%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (sau khi trích lập dự phòng rủi ro, nộp thuế) giảm mạnh 68,5% từ 488,7 tỉ đồng xuống 153,7 tỉ đồng.

Kinh doanh sụt giảm kéo theo nợ xấu tăng cao. Quý 1/2024, ngân hàng có tổng nợ xấu hơn 3.101 tỉ đồng, chiếm 3,9% tổng dư nợ. Đầu kỳ nợ xấu là 2.875 tỉ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ. Như vậy, nợ xấu quý 1 năm nay tăng 34% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng so với đầu kỳ và chiếm 34,7% tổng nợ xấu.

Về sức mạnh dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trước những thay đổi về tài sản và vốn lưu động năm ngoái dương 1.155 tỉ đồng thì quý 1 năm nay âm 363 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lãi và các chi phí tương tự đã trả là khoản mục "âm tiền" lớn nhất lên tới 1.973 tỉ đồng.

Với những con số kinh doanh không thực sự khả quan, giá cổ phiếu của ABBANK cũng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23.5, ABB có mức giá 8.500 đồng/cổ phiếu (giảm 4,49% so với phiên trước), là một trong số ít cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.