Nợ xấu trong tín dụng bất động sản có chiều hướng tăng

Lê Quân
Lê Quân
22/08/2023 20:54 GMT+7

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước (tháng 6.2022 là 1,53%, tháng 6.2023 là 2,47%).

Tín dụng vay mua nhà giảm

Phát biểu tại hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" do Viện Chiến lược ngân hàng tổ chức ngày 22.8, tại Hà Nội, bà Hà Thu Giang cho biết tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng lượng tín dụng chung của nền kinh tế. Do đó, khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại.

Nợ xấu trong tín dụng bất động sản có chiều hướng tăng - Ảnh 1.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng

H.G

Hiện, tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 là 10,73%. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản phát sinh từ nhu cầu vay mua nhà vốn chiếm phần lớn (65% dư nợ) trong 6 tháng đầu năm lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.

Theo bà Giang, điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường. Trong khi đó, phía cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng của thị trường đang sụt giảm.

"Diễn biến trên cho thấy, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng, dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn", bà Giang lý giải.

Nợ xấu trong tín dụng bất động sản có chiều hướng tăng - Ảnh 2.

Tín dụng phát sinh từ vay mua nhà giảm

LÊ QUÂN

Cũng theo bà Giang, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước (tháng 6.2022 là 1,53%, tháng 6.2023 là 2,47%).

Tín dụng 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng thấp

Nói về tín dụng chung, bà Giang cho hay tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Điều này phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Đơn cử, do tác động của cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh: các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.

Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu minh bạch...

Ngoài ra, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngân hàng thương mại cần tiếp tục hạ lãi suất

Phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh khó khăn còn kéo dài và không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, rất cần sự đồng bộ thực thi trong quá trình triển khai chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như với thị trường bất động sản, trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý, vì vậy cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ pháp lý cho lĩnh vực này.

Nợ xấu trong tín dụng bất động sản có chiều hướng tăng - Ảnh 4.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh cần tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm

H.G

Đối với chính sách tiền tệ, dù đang cùng lúc phải đảm bảo nhiều mục tiêu nhưng thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn phải đặt ra; những giải pháp hỗ trợ tăng khả năng hấp thụ vốn đã làm tốt rồi cần tốt hơn. Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục hạ lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, kích thích các doanh nghiệp vay vốn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn nguồn vốn, thanh khoản hệ thống.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp; đồng thời kết hợp các chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.