Indonesia chấm dứt kiểm tra trinh tiết nữ tân binh

07/08/2021 11:15 GMT+7

Lục quân Indonesia được cho là đã ngừng kiểm tra trinh tiết các nữ tân binh vì nhận nhiều chỉ trích là phi khoa học và phân biệt đối xử.

Các tổ chức nhân quyền tại Indonesia đang hân hoan trước quyết định chấm dứt thủ tục kiểm tra trinh tiết đối với nữ quân nhân có trong 5 thập niên qua, theo tờ The Guardian ngày 6.8.
Tại Indonesia, thủ tục này được gọi là “kiểm tra bằng hai ngón tay”, vì các bác sĩ sẽ dùng hai ngón tay để kiểm tra xem “cái ngàn vàng” của các ứng viên nữ có còn nguyên vẹn hay không. Họ sẽ không được phép tham gia vào quân đội nếu không phải là một trinh nữ.
Hồi tháng 7, trong cuộc hội nghị trực tuyến với các chỉ huy quân sự trên khắp Indonesia, Tham mưu trưởng lục quân Andika Perkasa cho biết nữ giới sẽ được tuyển dụng dựa trên năng lực giống như nam giới và các bài kiểm tra sức khỏe không phù hợp sẽ bị bãi bỏ.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), những thay đổi mà ông Perkasa nhắc đến chính là bài kiểm tra trinh tiết “lạm dụng, phi khoa học và phân biệt đối xử” đối với các nữ tân binh mà tất cả các binh chủng của quân đội Indonesia áp dụng trong nhiều thập niên qua.

Mỹ - Indonesia mở đầu “kỷ nguyên mới" với cuộc tập trận chung lớn nhất

Bà Alim Qibtiyah, ủy viên thuộc Ủy ban Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ của Indonesia, cho biết khi chính sách được chuyển đổi, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội tham gia quân đội hơn. Hiện tại, chỉ 10% trong số 450.000 quân nhân Indonesia là phụ nữ.
The Guardian dẫn lời một phụ nữ sống tại thành phố Yogyakarta dùng tên giả là Anindi kể rằng cách đây 23 năm khi bà 18 tuổi, bà đã không được tuyển vào hải quân vì từ chối làm kiểm tra trinh tiết dù đạt điểm cao trong các bài kiểm tra khác.
“Tôi từ chối không phải vì tôi sợ bị phát hiện mình không còn trinh mà vì tôi cảm thấy không thoải mái với việc kiểm tra này. Chấn thương tâm lý là cái giá phải trả khi các nữ tân binh nhập ngũ”, bà Anindi nói.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố rằng xét nghiệm trinh tiết là phi khoa học, vi phạm quyền phụ nữ, gây hậu quả trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý của người bị kiểm tra.
Ông Andreas Harsono, nhà nghiên cứu người Indonesia của HRW, cho rằng lục quân đã làm đúng và các chỉ huy phải có trách nhiệm tuân theo mệnh lệnh này. Hải quân và không quân Indonesia được cho là sẽ tiếp bước lục quân bãi bỏ bài kiểm tra trinh tiết này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.