Intel Core i9-10900K – Sức mạnh chiến game không đối thủ

Tôn Bảo
Tôn Bảo
21/05/2020 14:40 GMT+7

Một vài tuần trước, Intel chính thức giới thiệu dải sản phẩm vi xử lý thế hệ 10 được phát triển dựa trên kiến trúc Comet Lake-S và nền tảng Z490. Các vi xử lý thế hệ 10 không mới, nhưng được thay đổi và phát triển khá nhiều trên nền thế hệ 9 – LGA 1151, đặc biệt là Core i9-10900K.

Với Intel Core i9-10900K, chúng ta có một vi xử lý chiến game cực mạnh, hơn cả người anh em Core i9-9900K ra mắt năm ngoái của đội xanh.

Tổng quan về Intel Core i9-10900K

Intel Core i thế hệ 10 vẫn sử dụng tiến trình 14nm tương tự như các vi xử lý thế hệ 9, nhưng có rất nhiều thay đổi, qua đó cải thiện đáng kể về hiệu năng, năng lượng sử dụng và giá thành. Các sản phẩm mới đều được tăng thêm nhân/luồng, tốc độ xung nhịp và nhiều tính năng mới, như silicon mỏng hơn và phần bề mặt tiếp xúc với tản nhiệt dày hơn. Và vì thế, socket của Z490 cũng được thay đổi từ LGA 1151 lên 1200 để tích hợp thêm những tính năng mới trên chipset.

Trong quá trình lắp đặt, hệ thống Intel thế hệ 10 hoàn toàn tương thích với các linh phụ kiện được sản xuất cho các thế hệ trước. Tuy nhiên, về phần tản nhiệt, đối với vi xử lý Intel Core i9-10900K, khuyến cáo là nên sử dụng các tản nhiệt khí tốt hoặc tản nhiệt nước, tối thiểu là các bộ AIO nếu không muốn vi xử lý “bốc hơi”.

Thông số của Intel Core i9-10900K được xem là “khủng” nhất trong nhiều năm qua ở phân khúc vi xử lý cho người dùng cuối. Vi xử lý này chỉ thua một chút so với Core i9-10900X vốn thuộc dòng Extreme được ra mắt vào năm ngoái mà thôi. Ở các số liệu quan trọng như nhân/luồng, 10900K có thể so sánh sòng phẳng với 10900X và chỉ chịu thua khi nói về một số tính năng như kênh RAM và số làn PCIe. Đổi lại, Turbo Boost của 10900K có thể đạt tới 4,9GHz (tất cả các nhân) và 5,3GHz (1 nhân) so với lần lượt 4,5GHz và 4,1GHz của 10900X.

Bo mạch chủ Gigabyte Z490 Aorus Master

Bên cạnh vi xử lý cứng cựa nhất của Intel, các hãng bo mạch chủ cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm cao cấp để kết hợp hoàn hảo với vi xử lý. Cụ thể trong bài viết này, Thanh Niên Game thử nghiệm Intel Core i9-10900K với bo mạch chủ gần như cao cấp nhất của nền tảng Z490 đến từ Gigabyte – Aorus Master. Để sở hữu cặp đôi này, game thủ sẽ hơi đau đầu về ngân sách một chút, với chi phí tổng cộng khoảng gần 30 triệu. Ngoài Aorus Master, Gigabyte còn có 2 mã bo mạch chủ cao hơn nữa là Aorus Xtreme và Aorus Xtreme Waterforce (có sẵn block cho tản nhiệt nước).

Gigabyte Z490 Aorus Master được trang bị nhiều món ăn chơi thời thượng, như vi xử lý âm thanh ALC1220VB với amply dành cho tai nghe 125dB SNR, tích hợp đèn RGB, các bo mạch được thiết kế với tiêu chuẩn của máy trạm, tản nhiệt trọn vẹn cho tất cả các linh kiện (3 khe NVMe đều có tản nhiệt), nhiều đầu cắm quạt.

Nhìn chung, bo mạch chủ có thiết kế ngầu, sang trọng và rất xứng đáng với mức chi phí bỏ ra. Thiết kế điện của sản phẩm gồm có 14 pha Digital VRM, kết hợp với 90A Smart Power Stage và dàn tụ Tantalum Polymer. Toàn bộ dàn tụ của bo mạch chủ đều được tản nhiệt, đảm bảo hoạt động ổn định và bền bỉ trong tất cả các điều kiện và nhu cầu sử dụng. Cuối cùng, toàn bộ các khe cắm của Aorus Master đều được bọc thép, cam kết bất khả xâm phạm và bảo vệ tối đa cho các linh kiện được gắn vào.

Thiết lập hệ thống thử nghiệm

- Vi xử lý: Intel Core i9-10900K
- Bo mạch chủ: Gigabyte Z490 Aorus Master
- Thùng máy Aerocool NightHawk
- Tản nhiệt: Tản nhiệt nước ID-Cooling ZoomFlow 360X
- Nguồn: Aerocool P7-750W Platinum
- Card đồ họa: Palit GeForce RTX 2070 8GB
- RAM: Kingston HyperX 2x8GB 3200MHz
- Ổ cứng: NVMe WD Black SN750 1TB, NVMe WD SN550 1TB, HDD Seagate Barracuda 8TB

Benchmark thuật toán

Cần lưu ý là toàn bộ các điểm số trong khuôn khổ bài viết này đều đạt được ở các mức thiết lập hệ thống mặc định. Hoàn toàn không có bất kì tác động ép xung nào cho vi xử lý cũng như các linh kiện đi kèm.

Geekbench

Trong phần thử nghiệm GeekBench, với 39953 điểm, Intel Core i9-10900K mạnh hơn người tiền nhiệm của mình là Core i9-9900K khoảng 5.000 điểm (khoảng 12,5%) về hiệu năng đa nhân. Trong khi đó, điểm số đơn nhân của Core i9-10900K đạt 6210 điểm, nhỉnh hơn chỉ một chút so với đàn anh.

PCMark 10

Đối với PCMark 10, Intel Core i9-10900K có kết quả ấn tượng, cao nhất trong số các vi xử lý dành cho người dùng cuối cơ bản. Điều này một lần nữa khẳng định lại đây là vi xử lý tốt nhất dành cho game trong năm 2020. Cụ thể, ở các bài thử nghiệm Digital Content Creation, Essentials, Productivity, và PC Mark 10 Score, i9-10900K lần lượt đạt 12950, 11261, 9116, 7874. Chỉ có điểm số Productivity là thấp hơn một chút so với vi xử lý tiêu dùng mạnh nhất của đội đỏ, 3 điểm số còn lại đều cho thấy sự vượt trội của chiến binh đội xanh. Vì vậy, vi xử lý này không chỉ tốt khi nhắc về game mà còn phù hợp cho các nhu cầu biên tập đồ họa, chỉnh sửa video, nhiếp ảnh gia và nhiều tác vụ liên quan khác.

Benchmark X265

HWBOT x265 Benchmark được thực hiện dựa trên phần mềm mã hóa mã nguồn mở giúp đánh giá tốc độ mã hóa video của CPU. Bài thử nghiệm được thực hiện với thiết lập 1080p. Và trong phần thử nghiệm này, Intel Core i9-10900K tuy ít nhân/luồng hơn so với tuyển thủ của đội đỏ, sản phẩm vẫn có kết quả gần tương đương. Đồng thời, vi xử lý này bỏ xa tương đối so với i9-9900K. Cụ thể, i9-10900K đạt được 76,71 điểm so với 65 của i9-9900K.

Cinebench R20

Đây có lẽ là bài thử nghiệm mà nhiều người quan tâm nhất, bởi nhắc về Intel thì khả năng render vẫn được ưa chuộng bởi sức mạnh và độ ổn định. Kết quả trong phần này cũng tương tự như những bài thử nghiệm bên trên, trong đó các vi xử lý cao cấp đều có sức mạnh đơn nhân tương đương nhau, và i9-10900K đạt 520 điểm khi render. Đối với điểm số đa nhân, số lượng nhân/luồng được tăng thêm của sản phẩm đã giúp i9-10900K đạt 6367 điểm, cao hơn khoảng 30% so với i9-9900K, một sự cải thiện đáng kể.

Trải nghiệm game

3DMark Physics

Phần thử nghiệm của 3DMark Physics đánh giá khả năng hỗ trợ đa luồng của vi xử lý, và tại đây Intel Core i9-10900K tỏ ra nhỉnh hơn một chút so với đối thủ, đồng thời cao hơn khoảng 10% khi so sánh với đàn anh của mình.

Thử nghiệm game

Thanh Niên Game cũng có một số thử nghiệm nhanh đối với các tựa game có tính năng benchmark riêng dành cho vi xử lý: Middle Earth: Shadow of War và Shadow of the Tomb Raider các độ phân giải khác nhau. Điểm số của các bài thử nghiệm sẽ làm hài lòng các fan của đội xanh: Intel Core i9-10900K có kết quả cao nhất ở toàn bộ các độ phân giải, vượt lên trên sản phẩm cao nhất của đội đỏ. Các điểm số cụ thể đạt được như sau:

Middle Earth: Shadow of War (1080p – thiết lập đồ họa trung bình): 233 FPS

Middle Earth: Shadow of War (4K – thiết lập đồ họa Ultra): 77 FPS

Shadow of the Tomb Raider (1080p – thiết lập đồ họa trung bình): 160 FPS

Shadow of the Tomb Raider (4K – thiết lập đồ họa Ultra): 63 FPS

Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

Đây cũng là khía cạnh mà nhiều game thủ quan tâm. Như đã nói, Intel Core i9-10900K có mức tiêu thụ điện năng 125W, cao hơn so với trước nhưng thấp hơn so với các vi xử lý dòng X của hãng. Sử dụng tản nhiệt nước AIO của ID-Cooling – ZoomFlow 360X, hệ thống thử nghiệm đạt được khoảng 43 độ khi tĩnh, khoảng 67 độ khi kích hoạt một số ứng dụng tương đối nặng, và tối đa 87 độ khi hoạt động 100%. Mức tiêu thụ điện năng của vi xử lý khi tĩnh và hoạt động 100% lần lượt là 47W và 285W.

Kết luận

Intel Core i9-10900K thực sự là một nâng cấp rất đáng kể so với các vi xử lý thế hệ trước, cụ thể là người anh em ra mắt vào năm ngoái Core i9-9900K. Cần phải nói thêm là hiệu năng xử lý đơn nhân của vi xử lý mạnh hơn nhiều so với các đời LGA 1151, nhưng không cao hơn 9900K nhiều, và sự khác biệt của 2 sản phẩm đến từ số lượng nhân/luồng được nâng thêm cho Core i9-10900K. Ở phần game, sản phẩm của Intel giành chiến thắng rõ rệt ở phần game. Đồng thời, sức mạnh trong phần thử nghiệm các tác vụ nặng khác như đồ họa, render, mã hóa video... cũng cho ra kết quả tốt. Có thể nói, Core i9-10900K sẽ là một cái kết ngọt ngào cho tiến trình 14nm của Intel, đem lại nhiều hứa hẹn về một thế hệ 11 còn vượt trội hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.