Từ đầu năm 2022 tới nay, những chính sách triển khai chiến lược toàn cầu của Trung Quốc và Mỹ đã gây sự chú ý mạnh mẽ của toàn thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang đi theo lộ trình từ kinh tế sang an ninh với Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Ở phía ngược lại, Mỹ lại hướng đến các cơ chế hợp tác kinh tế như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), sau hàng loạt các cơ chế an ninh đã được triển khai trước đó.
Kinh tế và an ninh
Bất kỳ một cường quốc nào có mong muốn trở thành siêu cường đều cần phải thể hiện được vai trò lãnh đạo quốc tế trong hai lĩnh vực quan trọng nhất: kinh tế và an ninh. Từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vốn luôn được biết đến như một nhà “cung cấp an ninh chính” của thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường và trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới. Đến nay, điều này đã đổi khác. Một Trung Quốc tập trung vào hợp tác an ninh và một Hoa Kỳ chỉ tăng cường hợp tác kinh tế mà “ngó lơ” các công cụ quân sự là một hiện tượng lạ trong quan hệ quốc tế.
Tháng 4.2022, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố đề xuất “Sáng kiến An ninh Toàn cầu”, đề cao nguyên tắc “an ninh không chia rẽ”, hướng đến mục tiêu xây dựng một kiến trúc an ninh cân bằng, ổn định và bền vững. Sáng kiến toàn cầu này được Trung Quốc công bố sau hàng loạt các nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với các đối tác của mình trong năm 2022.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu mở màn Diễn đàn Bác Ngao hồi tháng 4, nơi ông đề xuất sáng kiến GSI |
Reuters |
Chuyến thăm kéo dài 10 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị đến các quốc gia Thái Bình Dương đã được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hợp tác an ninh và quân sự tại khu vực. Một trong những kết quả nổi bật của chuyến đi là Hiệp ước An ninh Đảo Solomon - Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với Iran, tiến hành tập trận với Nga tại Đông Á, và kêu gọi nhóm BRICS (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) đẩy mạnh hợp tác an ninh. Tất cả những nỗ lực này cho thấy Trung Quốc đang củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trong thiết lập trật tự an ninh thế giới.
Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn một tháng, Mỹ đã công bố hai sáng kiến hợp tác kinh tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (GPII).
Bên cạnh đó, Mỹ và các đối tác đang đẩy mạnh vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trong quá trình phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm trách nhiệm xã hội, môi trường, Úc, Mỹ, cùng các đối tác đã thành lập “Đối tác Thái Bình Dương Xanh” với khoản viện trợ phát triển lên đến 2.1 tỉ AUD. Đối với nhóm Bộ tứ hay còn gọi là QUAD (Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Úc), Mỹ tập trung vào lĩnh vực hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu và một số vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
Đối với mục tiêu đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhóm Bộ tứ cũng tập trung vào các biện pháp phi quân sự như hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị đại dương của các quốc đảo. Nhà Trắng đang cố gắng tận dụng triệt để “con bài” kinh tế và phát triển để kết nối và củng cố hệ thống đồng minh trên toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quá trình triển khai chính sách toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc đang chuyển động theo một chiều hướng trái ngược với những gì thế giới đã thấy trước đây. Điều này báo hiệu rằng cả Bắc Kinh và Washington đều đang tập trung củng cố tầm ảnh hưởng của mình bằng việc hoàn thiện chiến lược toàn cầu của mình.
Thiết lập ảnh hưởng toàn cầu toàn diện
Việc tập trung tăng cường ảnh hưởng ở các trụ cột vốn ít được chú trọng trước đây cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu khỏa lấp các trụ cột còn thiếu trong chiến lược toàn cầu của mình, hướng đến việc thiết lập tầm ảnh hưởng toàn diện.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn sẵn sàng can thiệp quân sự vào các khu vực chiến lược trên toàn thế giới, khẳng định vai trò siêu cường bằng lợi thế quân sự vượt trội của mình. Khi chuyển trọng tâm chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington cũng bắt đầu bằng các biện pháp quân sự, tăng cường tuần tra, làm sâu sắc các cam kết và quan hệ hợp tác quân sự. Những sáng kiến tiểu đa phương như QUAD, AUKUS ban đầu cũng được lập ra với mục tiêu an ninh tại khu vực và “chống Trung Quốc”.
Quá trình triển khai chính sách toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc đang chuyển động theo một chiều hướng trái ngược so với trước đây |
AFP |
Giờ đây, Nhà Trắng lại đang chú ý vào những cơ chế hợp tác tập trung vào kinh tế xã hội. Những cơ chế này mang lại cho Mỹ những vai trò và hình ảnh mới: một cường quốc có trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển và nền hòa bình trên toàn thế giới. Những cơ chế hợp tác kinh tế mới này cũng giúp Mỹ bồi đắp quan hệ với các đồng minh truyền thống, củng cố lại vai trò dẫn đầu và lãnh đạo nền kinh tế và sự phát triển trên toàn thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và những chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, hợp tác kinh tế giúp Mỹ mở rộng quan hệ với các quốc gia khu vực vốn có đường lối đối ngoại độc lập và xu hướng hạn chế liên minh như Ấn Độ.
Đối với Trung Quốc, sau một thời gian dài triển khai sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) và khẳng định vai trò không thể thiếu của mình đối với nền kinh tế toàn cầu, quốc gia này nhận thấy đã đến lúc phải tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo an ninh. Trung Quốc đang làm sâu sắc hơn những mối quan hệ đối tác và tầm ảnh hưởng của mình tại các khu vực trên thế giới bằng việc triển khai những chiến lược lãnh đạo an ninh đầu tiên.
Những động thái nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh là những nỗ lực theo đuổi lợi ích quốc gia thông qua hình thành mạng lưới liên minh và đối tác quân sự. Không chỉ dừng lại ở đó, với GSI, Bắc Kinh mong muốn thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình một cách toàn diện hơn, và chứng tỏ cho thế giới tham vọng định hình kiến trúc an ninh toàn cầu của quốc gia này, dự báo một Bắc Kinh tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh trên toàn cầu.
Một xu thế cạnh tranh mới?
Vẫn còn có quá nhiều dấu hỏi trước sự chuyển mình trong chiến lược toàn cầu của hai cường quốc này. Cho đến nay, vẫn còn nhiều nghi ngờ liệu các sáng kiến này có thực sự khả thi, hướng tới củng cố an ninh và thúc đẩy kinh tế cho khu vực hay chỉ đơn thuần là công cụ để tập hợp lực lượng và cạnh tranh chiến lược?
Những sáng kiến và cam kết an ninh mới của Trung Quốc đang thách thức cấu trúc an ninh toàn cầu do Mỹ và các đồng minh thiết lập. Chẳng hạn, quy tắc “an ninh không chia rẽ” và mục tiêu thiết lập một kiến trúc an ninh bền vững, “không lợi dụng sự mất an ninh của một quốc gia để xây dựng an ninh cho mình” của GSI được cho là nhắm vào Mỹ, hệ thống đồng minh và các mạng lưới hợp tác “chống Trung Quốc” của nước này trên toàn thế giới. Trung Quốc đang cho thấy vai trò dẫn đầu phần còn lại của thế giới (những quốc gia không thuộc hệ thống đồng minh của Mỹ) với những nỗ lực làm suy yếu "hệ thống bá quyền" của Mỹ và "lối tư duy chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh".
Trong khi đó, những chiến lược hợp tác kinh tế mới của Mỹ cho thấy những nỗ lực tấn công vào điểm yếu trong các dự án kinh tế lớn của Trung Quốc như BRI hay các khoản viện trợ, đầu tư phát triển mà Trung Quốc cung cấp cho các nước thu nhập thấp. Những dự án của Mỹ như B3W hay Blue Dot đều được xây dựng dựa trên mục tiêu cốt lõi là cạnh tranh với các dự án kinh tế của Trung Quốc như BRI hoặc Con đường tơ lụa trên biển.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện công bố IPEF hồi tháng 5 |
Reuters |
Tuy nhiên, sự hiệu quả của những cơ chế kinh tế này vẫn không được đánh giá cao do mức độ cam kết lỏng lẻo và kém hấp dẫn trong mắt các nước đang phát triển. Ngay cả nhóm Bộ tứ, vốn là một trong những công cụ chiến lược quan trọng nhất của Mỹ, cũng chưa đạt được bất kỳ thành tựu đáng chú ý nào, dù là trong an ninh hay kinh tế. Hiện nay, thật khó để khẳng định rằng những cơ chế hợp tác kinh tế của Mỹ là một nỗ lực tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hay chỉ đơn giản là sự can dự hời hợt đối với sự phát triển của thế giới.
Bước chuyển mình của Trung Quốc và Mỹ đang đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình thực thi chiến lược toàn cầu và cạnh tranh chiến lược của hai quốc gia này. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về mức độ hiệu quả và những tác động của xu thế này đối với quá trình cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Trong tương lai, cách mà Trung Quốc và Mỹ triển khai các sáng kiến và duy trì những cam kết này sẽ thực sự định hình tương quan lực lượng giữa hai bên cũng như cục diện thế giới.
Bình luận (0)