Iran đã đe dọa trả đũa cuộc không kích mà nước này cho là Israel thực hiện nhằm vào cơ sở ngoại giao của Tehran ở Syria hôm 1.4, khiến 7 sĩ quan IRGC thiệt mạng, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao.
Diễn biến này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và Iran, cũng như có nguy cơ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới.
“Chúng tôi không phải là những người bị tấn công mà không đánh trả, nhưng chúng tôi cũng không vội vàng trả đũa”, hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời ông Alireza Tangsiri, tư lệnh hải quân IRGC.
“Chúng tôi có thể đóng eo biển Hormuz nhưng hiện không làm như vậy. Tuy nhiên, nếu kẻ thù đến quấy rối chúng tôi, chúng tôi sẽ xem lại chính sách của mình”, ông Tangsiri cho biết.
Theo Reuters, khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày. Dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa cho thấy, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9.2023, trung bình một ngày có 20,5 triệu thùng dầu thô, khí ngưng tụ và các sản phẩm dầu đi qua eo biển này.
Kể từ năm 2019, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã gia tăng vì các vụ bắt tàu ở eo biển Hormuz, một cửa ngõ hẹp kết nối vịnh Ba Tư và vịnh Oman, nằm giữa Iran và Oman. Đây cũng là hành lang đường biển duy nhất dẫn từ vịnh Ba Tư ra Ấn Độ Dương.
UAE, nằm đối diện với Iran qua eo biển Hormuz, đã trở thành quốc gia Ả Rập nổi bật nhất thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trong vòng 30 năm, theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian vào năm 2020. Cùng lúc, Abu Dhabi duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với Tehran.
“Chúng tôi biết rằng những người Phục quốc Do Thái (Israel) được đưa đến UAE không phải vì mục đích kinh tế mà vì mục đích an ninh và quân sự. Việc này là mối đe dọa đối với chúng tôi và không nên xảy ra”, ông Tangsiri tuyên bố.
Bình luận (0)