Iran triệu đại sứ Anh, Na Uy giữa biểu tình căng thẳng

25/09/2022 21:33 GMT+7

Iran đã triệu tập đại sứ Anh và Na Uy vì việc mà Tehran nói là hành vi can thiệp và đưa tin thù địch về tình trạng bất ổn trên toàn quốc sau cái chết của một phụ nữ bị cảnh sát đạo đức giam giữ.

Người biểu tình phản đối Iran tại London, Anh, ngày 24.9

reuters

Hãng thông tấn ISNA ngày 25.9 cho biết Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ Anh hôm 24.9 để phản ứng về "tính chất thù địch" của các kênh truyền thông tiếng Ba Tư có trụ sở tại London.

Đại sứ Na Uy cũng bị triệu tập để giải thích về "lập trường can thiệp" của chủ tịch quốc hội nước này, người đã lên Twitter bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Iran.

Phong trào biểu tình bùng nổ cách đây hơn một tuần tại đám tang của một phụ nữ 22 tuổi người Kurd, cô Mahsa Amini, và sau đó đã lan rộng khắp đất nước và trở thành làn sóng biểu tình lớn nhất trong vài năm trở lại đây tại Iran.

Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết 41 người đã thiệt mạng. Theo các nhà hoạt động, giới chức đã hạn chế dịch vụ internet và di động để ngăn chặn việc lan truyền video về phong trào biểu tình và phản ứng của lực lượng an ninh.

Tổng thống Ebrahim Raisi cho biết Iran đảm bảo quyền tự do ngôn luận và ông đã ra lệnh điều tra cái chết của cô Amini, người đã tử vong khi đang bị lực lượng cảnh sát đạo đức giam giữ với cáo buộc vi phạm quy định về trang phục.

Ông cũng nói rằng "những hành vi gây hỗn loạn" là không thể chấp nhận được và Iran phải giải quyết dứt điểm tình hình bất ổn. Tại Liên Hiệp Quốc, ông cho biết việc đưa tin rộng rãi về vụ việc cô Amini là "tiêu chuẩn kép", chỉ ra những cái chết tại nơi tạm giam của cảnh sát Mỹ.

Cái chết của cô Amini đã làm dấy lên lo ngại và sự bất bình ở Iran về nhiều vấn đề bao gồm những hạn chế về quyền tự do cá nhân, các quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ và nền kinh tế quay cuồng với các lệnh trừng phạt.

Phụ nữ đã đóng vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình, vẫy tay và đốt mạng che mặt của họ. Một số đã công khai cắt tóc trong khi đám đông giận dữ kêu gọi Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ bỏ chức vụ.

Đây là phong trào biểu tình lớn nhất Iran kể từ năm 2019 khi người dân xuống đường về giá nhiên liệu tăng. Làn sóng năm đó đã làm 1.500 người thiệt mạng, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.