Quan điểm trên của Iraq đang được thảo luận với các quan chức Mỹ ở Washington D.C trong tuần này tại một hội nghị an ninh và chưa có thỏa thuận chính thức nào về việc chấm dứt liên minh hoặc thời gian biểu liên quan, theo Reuters hôm nay 23.7 dẫn một số nguồn tin tử Iraq và quan chức Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mathew Miller nói trong một cuộc họp báo rằng hai bên sẽ gặp nhau tại Washington D.C trong tuần này để xác định cách chuyển đổi nhiệm vụ của liên minh do Mỹ lãnh đạo dựa trên mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời nói thêm rằng ông không có thêm thông tin chi tiết.
Các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã tấn công Iraq vào năm 2003, lật đổ cựu lãnh đạo Saddam Hussein và sau đó rút lui vào năm 2011, chỉ quay trở lại vào năm 2014 để chống lại IS với vị trí dẫn đầu liên minh.
Mỹ hiện có khoảng 2.500 quân ở Iraq, đứng đầu liên minh gồm hơn 80 thành viên được thành lập vào năm 2014 để đẩy lùi IS khi IS hoành hành khắp Iraq và Syria.
Binh sĩ Mỹ đóng quân tại ba căn cứ chính ở Iraq, một ở thủ đô Baghdad, một ở tỉnh Anbar thuộc phía tây và một ở vùng Kurdistan thuộc phía bắc.
Điểm xung đột: Moscow, Kyiv nói gì khi ông Biden ngừng tranh cử? Houthi sẽ tấn công Israel bất cần quy tắc
Hiện không rõ có bao nhiêu binh sĩ sẽ rời đi theo một thỏa thuận. Reuters dẫn một số nguồn tin từ Iraq cho hay họ dự kiến hầu hết sẽ rời đi nhưng giới chức Mỹ cho biết nhiều người có thể vẫn ở lại theo sứ mệnh cố vấn và hỗ trợ mới được đàm phán.
Các quan chức Mỹ mong muốn có sự hiện diện quân sự ở Iraq trên cơ sở song phương, một phần để hỗ trợ sự hiện diện của nước này ở Syria. Mỹ hiện có khoảng 900 quân ở Syria.
Theo quân đội Mỹ, IS đã bị tuyên bố đánh bại về mặt lãnh thổ ở Iraq vào năm 2017 và ở Syria vào năm 2019 nhưng vẫn thực hiện các cuộc tấn công ở cả hai nước này và đang trên đà tăng gấp đôi các cuộc tấn công ở Syria trong năm nay so với năm 2023.
Trong khi nhiệm vụ của liên minh là cố vấn và hỗ trợ các lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống lại IS, giới chức phương Tây cho hay Mỹ và các đồng minh cũng xem sự hiện diện của họ ở Iraq là một biện pháp kiểm tra ảnh hưởng của Iran.
Washington và Baghdad đã bắt đầu các cuộc đàm phán về tương lai của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vào tháng 1, trong bối cảnh có các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa những nhóm vũ trang Hồi giáo do Iran hậu thuẫn và các lực lượng Mỹ.
Một thỏa thuận để liên minh rút lui có thể là một chiến thắng chính trị cho Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani. Nhà lãnh đạo này đang chịu áp lực từ các phe phái liên kết với Iran trong việc đẩy lùi lực lượng Mỹ nhưng đã tìm cách làm như thế theo cách cân bằng vị thế của Iraq là đồng minh của cả Washington lẫn Tehran, theo Reuters.
Bình luận