Hôm qua, Israel tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích TP.Rafah và đưa xe tăng thọc sâu vào thành phố thuộc miền nam Gaza. Hành động quân sự này được triển khai sau khi cộng đồng thế giới mạnh mẽ lên án vụ Israel tấn công khu tị nạn ở thành phố này vào đêm 26.5, rạng sáng 27.5, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, hơn 200 người khác bị thương.
Rafah oằn mình trước bom đạn
Reuters dẫn lời một số nhân chứng hôm qua cho biết đã nhìn thấy vài xe tăng Israel tiếp cận trung tâm TP.Rafah. Các xe tăng được phát hiện gần địa danh nổi tiếng của Rafah là đền thờ Hồi giáo Al-Awda và diễn ra 3 tuần sau khi quân đội Israel xúc tiến chiến dịch quân sự ở thành phố miền nam Gaza.
Vài giờ trước đó, người dân Rafah đã trải qua một trong những đêm kinh hoàng nhất kể từ cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel nổ ra. Giới chức y tế Gaza ghi nhận ít nhất 26 trường hợp người Palestine tử vong ở Rafah trong đợt tấn công rạng sáng 28.5 của quân đội Israel.
Thủ tướng Israel thừa nhận "sai sót thảm khốc" trong cuộc tập kích làm nhiều dân thường thiệt mạng ở Gaza
Cũng theo lời các nhân chứng, Israel tập kết đội hình xe tăng ở trên và xung quanh đỉnh đồi Zurub, nơi nhìn xuống phía tây Rafah. Bên cạnh đó, người dân Palestine cho hay khu vực Tel Al-Sultan, nơi có khu tị nạn vừa bị tấn công, tiếp tục trong tình trạng bị dội bom cực rát từ phía Israel.
"Xe tăng nã pháo khắp Tel Al-Sultan. Nhiều gia đình phải tháo chạy khỏi nhà ở phía tây Rafah trong lúc bom đạn không ngớt suốt đêm", Reuters dẫn lời một nhân chứng. Tính đến hôm qua, Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính có khoảng 1 triệu người rời Rafah từ đầu tháng 5 sau khi Israel khởi động chiến dịch quân sự ở đây.
Châu Âu gia tăng sức ép đối với Israel
Đợt tấn công mới đã diễn ra trong lúc cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ việc Israel không kích khu tị nạn Tel Al-Sultan. Nhiều quốc gia Ả Rập gọi đây là "vụ thảm sát", trong khi Israel cho biết đang mở cuộc điều tra về vụ việc. Mỹ khuyến cáo Israel phải vận dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường Palestine, theo Axios. Còn HĐBA LHQ cũng mở phiên họp khẩn về vụ tấn công này.
"Hiện không còn nơi nào an toàn ở Gaza. Sự kinh hoàng đó phải được ngăn chặn", AFP dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Tờ The Guardian thì dẫn lời Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm qua kêu gọi phía Israel xúc tiến cuộc điều tra một cách "nhanh chóng, toàn diện và minh bạch", đồng thời nhấn mạnh sự cấp bách cần phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Hamas và Israel.
Còn Đài CNN dẫn lời Ngoại trưởng Ireland Micheál Martin cho biết các ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) lần đầu tiên thảo luận nghiêm túc về khả năng cấm vận Israel nếu từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu nước này phải ngừng ngay chiến dịch quân sự ở Rafah.
Tòa án Thế giới ra lệnh cho Israel ngừng tấn công Rafah
Cũng trong hôm qua, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy chính thức công nhận nhà nước Palestine. Cụ thể, chính quyền Madrid công nhận tư cách nhà nước của Palestine, với Dải Gaza, Bờ Tây thuộc chính quyền này và Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine.
Phản ứng trước động thái trên của Madrid, Ngoại trưởng Israel Katz cáo buộc Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez là một thành viên kích động "nạn diệt chủng" người Do Thái. Tuy nhiên, ông Sanchez cho rằng việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine là bước đi quan trọng để đạt đến hòa bình cho Trung Đông.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 140 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ công nhận nhà nước Palestine. Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy cho biết sắp tới sẽ tìm cách tăng tốc nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Sứ mệnh biên giới Rafah của EU
Đài Al Jazeera ngày 28.5 đưa tin các ngoại trưởng EU về nguyên tắc đã nhất trí kích hoạt trở lại Sứ mệnh hỗ trợ biên giới (EUBAM) ở TP.Rafah. Sứ mệnh được xây dựng và triển khai vào năm 2005, nhằm cung cấp sự hiện diện của bên thứ ba tại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza. Nhiệm vụ được thực thi là giám sát, xác minh và đánh giá công tác của cảnh sát biên phòng và phía hải quan thuộc chính quyền Palestine. Tuy nhiên, EUBAM ngừng hoạt động vào năm 2007, ngay sau khi lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza. Ông Josep Borrell, người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, hôm 27.5 nhận định việc kích hoạt trở lại EUBAM có thể đóng vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ dòng người ra vào Dải Gaza.
Bình luận (0)