Sự xa hoa của gia đình nam chính trong Gái già lắm chiêu 3 được thể hiện qua bữa tiệc hào môn xứ Huế. Ở đó, những nem công, chả phượng cầu kỳ do chính các nghệ nhân ẩm thực Huế thực hiện được xuất hiện rạng rỡ trên màn bạc. Đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân của Gái già lắm chiêu 3 cũng quan tâm đến việc giới thiệu văn hóa, trong đó có ẩm thực, trên phim.
Trong phim Gái già lắm chiêu 3, bữa tiệc Huế với nem công, chả phượng giúp người xem tận mắt thấy sự kỳ công trong ẩm thực Huế. Để tạo dựng bữa tiệc đó, ê kíp của ông đã phải chi phí như thế nào về thời gian, công sức, tiền bạc?
Để có một bữa tiệc về ẩm thực mang tính văn hóa vùng miền đặc biệt thì chúng tôi phải có thời gian nghiên cứu thông qua các nguồn sách báo, internet và đối chiếu xác minh với chuyên gia ẩm thực xứ Huế. Với Gái già lắm chiêu 3, chúng tôi mời nữ nghệ nhân ẩm thực, cũng là họa sĩ Bội Trân thực hiện các món ăn cung đình Huế đặc trưng như nem công, chả phượng, bún bò Huế… Chúng tôi còn cố gắng tìm kiếm những nghệ nhân cắt tỉa rau củ nổi tiếng Huế để tỉa gọt các loại chim công, chim phượng, rồng bằng rau củ đúng kiểu cung đình. Ngoài ra, các món ăn cổ như xôi bát bửu, chè long nhãn hạt sen kiểu cung đình Huế cũng được đặt các nghệ nhân ẩm thực khác phụ trách.
Địa phương có giúp gì ông trong những cảnh quay liên quan đến ẩm thực Huế hay không, chẳng hạn như hỗ trợ đoàn phim tìm kiếm cố vấn về ẩm thực?
Chúng tôi có nhận được sự hỗ trợ từ Viện nghiên cứu phát triển Huế, Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế trong việc giới thiệu và kết nối với các nghệ nhân ẩm thực Huế để mời nghệ nhân cố vấn cũng như thực hiện các món ăn đặc biệt để thực hiện các cảnh quay về ẩm thực trong phim.
Không chỉ có Gái già lắm chiêu 3 mang dấu ấn văn hóa Huế, ông cũng còn series Nàng thơ xứ Huế để giới thiệu một Huế đẹp, Huế thu hút du lịch, thu hút người xem trên Netflix. Ông có ý định tiếp tục làm một tác phẩm đẹp đẽ như vậy, nhưng nhấn vào ẩm thực Huế hay không?
Chúng tôi cũng luôn mong muốn được tiếp tục thực hiện thêm nhiều tập phim để giới thiệu thêm về các món ăn, ẩm thực đặc biệt đang hiện hữu hoặc đã thất truyền ở Huế. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa có thời gian để thực hiện. Hy vọng trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất các tập tiếp theo trong series Nàng thơ xứ Huế.
Ông nghĩ sao về việc có ý kiến cho rằng trong nhiều phim Việt, các cảnh ăn uống, tiệc tùng chưa được đầu tư nhiều vào bày trí món ăn, nên chăng cần tận dụng điện ảnh để tạo thu hút cho ẩm thực địa phương?
Tôi cho rằng mỗi thể loại phim hay một bộ phim đều có thể loại, chủ đề và phong cách kể chuyện khác nhau. Tùy vào nội dung hoặc ý đồ của kịch bản thì các cảnh ăn uống, tiệc tùng được bàn tay đạo diễn và ê kíp nhào nặn kỹ càng để thể hiện được thông điệp thông qua hình ảnh. Các món ăn, cách chế biến được thể hiện qua điện ảnh cũng góp phần quảng bá du lịch địa phương qua ẩm thực.
Theo ông, cái khó để VN có thể giới thiệu ẩm thực qua điện ảnh là gì? Nếu có thể, nên làm thế nào để gỡ khó?
Cái khó của việc giới thiệu ẩm thực qua điện ảnh là chúng ta ít có kịch bản phim có "đất" cho ẩm thực được thể hiện, mà chỉ dừng ở mức có cảnh ăn uống sinh hoạt.
Bình luận (0)