Theo nhà nhân học Mary Catherine Bateson, tất cả chúng ta mỗi ngày đều bận rộn với việc sáng tác ra câu chuyện của cuộc đời mình. Những hành động và sự kiện có hoặc không có ý thức cứ đan xen, lôi cuốn; cứ lặp đi, lặp lại từng ngày, từng tháng phản ánh một tính cách, một phận đời, sóng gió hay bình an…
Tất cả chúng ta đều nhìn vào tháng năm trong tâm thức “C’est la vie” (Đời là vậy) và thường để con sóng “C’est la vie” ấy cuốn đi. Nhiều lúc thèm một chút tĩnh lặng để nhìn vào ánh sáng, thưởng thức cái nồng nhiệt của màu sắc biển cả, hoặc cười vui như thuở xưa chân đất tắm mưa…
Vì cuộc đời cứ ngồn ngộn sự kiện như vậy, nhiều thập niên trước đây, mỗi người thường sở hữu các quyển nhật ký. Và không phải tự nhiên mà thời nay, các dạng thức mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter lại khiến cho mọi người phải say mê. Hơn như thế nữa, các nghệ sĩ lớn, các chính trị gia hay những huyền thoại bóng đá trên đỉnh cao sự nghiệp vẫn thích xuất bản cho mình một quyển hồi ký hay thực hiện cho mình một bộ phim tài liệu.
Gốc rễ sâu xa của nhu cầu kể chuyện cuộc đời trước hết nằm ở nhu cầu được tương tác với cộng đồng.
|
Đi tìm sự liên kết với nhiều cá thể khác
Mỗi ngày khi thức dậy, Facebook vẫn hay hỏi: “Hôm nay bạn nghĩ gì?”. Hằng ngày, khi bạn lên mạng để viết vài dòng bày tỏ về thời tiết, đăng một tấm ảnh đi ăn ngon ở nhà hàng hay đơn giản là chia sẻ một đường link bài hát là bạn đang kể về cuộc đời mình. Bạn đang cho mọi người biết cuộc đời bạn đang trải qua những cảm xúc như vậy, những sự kiện như vậy.
Chia sẻ về những diễn biến trong cuộc sống thường ngày, nghĩa là bạn đang mong chờ sự tương tác. Những like, share, bình luận sau đó chính là động lực để bạn siêng năng cập nhật trạng thái của chính mình. Có phải như vậy không?
Chuyện đời là chiếc chìa khóa để người khác có thể hiểu bạn hơn. Bằng cách đánh giá, xem xét các sự kiện diễn ra trong cuộc sống một cá nhân, chúng ta có thể đánh giá về họ một cách toàn diện. Kể chuyện cuộc đời mang đến sự gắn kết và cảm thông giữa người với người.
Một loại di sản
Không ai có thể cưỡng lại quy luật có bắt đầu sẽ có kết thúc, chết đi là trở về cát bụi, rồi sẽ bị lãng quên. Nhưng với một chút tâm tình mở ra, dịu dàng kể lại những vui buồn ẩn giấu, “câu chuyện cuộc đời” sẽ thay mặt cho chủ nhân để lại một ký ức cho thế hệ sau.
Đó có thể là những bài học, những kinh nghiệm truyền lại cho con cháu; có thể là những vấp ngã, sai lầm; là những thành tựu để người đời sau có thể tìm được nguồn cảm hứng sống tốt hơn.
Nhiều người đã đầu tư tâm sức để kể lại câu chuyện cuộc đời mình vì một mục đích cao cả. Họ muốn chứng minh cho thế giới biết họ đã từng tồn tại và cho thế giới thấy họ đã từng làm được những gì.
Điển hình, quyển hồi ký Becoming của Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đã trở thành quyển hồi ký thành công nhất nhì trong lịch sử xuất bản hiện nay, hơn 10 triệu bản được bán chỉ trong vòng 4 tháng. Câu chuyện về cuộc đời của Michelle Obama đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng nghìn cô gái da màu đang phải chật vật tìm ra giá trị của bản thân trong xã hội phân tầng khắc nghiệt ở Mỹ. Michelle Obama kể lại chuyện đời mình để giúp tất cả mọi người tìm được đáp án cho câu hỏi: “Chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành ai?”
Liệu pháp lan tỏa yêu thương
Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ tạp chí của Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ cho biết việc viết hồi ký có thể tạo ra những tác động rất tốt đẹp cho sức khỏe tinh thần. Tác giả Joshua M.Smyth giải thích: “Khi viết về những trải nghiệm căng thẳng trong quá khứ, bạn không thể tẩy sạch chúng đi được như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nó giúp bạn nhận thức lại các vấn đề và nhìn lại các sự việc dưới góc nhìn tích cực hơn”.
Nghiên cứu của trang JAMA Psychiatry vào năm 2018 cũng đã chứng minh rằng việc tự viết hồi ký về những điều không vui trong quá khứ cũng có hiệu quả không kém so với liệu pháp xử lý nhận thức truyền thống được các bác sĩ tâm lý áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị rối loạn căng thẳng, hậu chấn thương tâm lý.
Và chúng ta cũng tự biết rằng khi gợi lại những kỷ niệm tươi đẹp, không gì tuyệt vời hơn khi một lần nữa được tắm mình trong dòng sông ký ức.
Với những lợi ích đó, chúng ta còn ngần ngại gì mà không đánh thức cái nhu cầu kể - chuyện - cuộc - đời - mình đang nằm sâu trong tâm khảm. Một khi can đảm cho mọi người nhìn vào cuộc đời mình, chúng ta đang cho chính mình cơ hội để được thấu hiểu, để vị tha, để thấy yêu mình và rồi thấy yêu đời hơn.
Bình luận (0)