Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động, mang tên Liêu Ninh, được cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine vào năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2012. Hải quân Trung Quốc đang cho chạy thử tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, Type 001A, được chế tạo dựa trên chiếc Liêu Ninh và dự kiến sẽ sớm đưa tàu này vào hoạt động.
Trung Quốc đã bắt đầu đóng chiếc hàng không mẫu hạm nội địa thứ 2 có tên Type 002 cách đây 2 năm và dự kiến đóng chiếc thứ 3 vào đầu năm 2021. Hai chiếc Type 002 sẽ chạy bằng năng lượng truyền thống, không phải hạt nhân.
Tuy nhiên, kế hoạch của hải quân Trung Quốc đóng một tàu sân bay thế hệ mới, chạy bằng năng lượng hạt nhân và sử dụng công nghệ tiên tiến hơn dường như đang bị tạm dừng vì các kỹ sư phải nỗ lực khắc phục các vấn đề về kỹ thuật. “Không có kế hoạch đóng thêm tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay thứ 2 và 3 do Trung Quốc tự đóng đều là Type 002, tàu chiến thế hệ mới của nước này được trang bị bệ phóng điện từ [dành cho việc phóng chiến đấu cơ]”, một nguồn tin tiết lộ với SCMP.
Một nguồn tin khác tiết lộ các kỹ sư Trung Quốc “phát hiện vài vấn đề kỹ thuật và một trong những trở ngại lớn xuất phát từ việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới cho tàu sân bay. Những vấn đề này không thể giải quyết được trong thời gian gần”.
“Trung Quốc chưa sở hữu được công nghệ hạt nhân theo yêu cầu, dù đã phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân”, nguồn tin khẳng định, cho biết thêm việc phát triển lò phản ứng cho tàu chiến lớn gặp thách thức nhiều hơn so với việc chế tạo một lò phản ứng cho tàu ngầm.
Cũng theo nguồn tin, các cuộc thử nghiệm bệ phóng điện từ được dùng để phóng J-15, chiến đấu cơ duy nhất hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc, đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn.
“Đóng tàu sân bay là công trình gây tốn kém và phức tạp nhất trên thế giới, sử dụng nhiều công nghệ tinh vi. Đây là thời đại mới cho các kỹ sư và xưởng đóng tàu Trung Quốc và thật sự cần thời gian để bắt kịp với các nước khác”, nguồn tin nhận định.
Bình luận (0)