Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đang làm khổ người dân

Đình Sơn
Đình Sơn
09/08/2023 16:55 GMT+7

Theo quy định hiện nay, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Điều này đã gây nhiều bất cập và bức xúc cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Vất vả chờ đợi

Ông Sinh, một người dân ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết mới đây ông lên bộ phận một cửa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa cho hơn 3.000m2 đất. Tại đây cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ông phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất vào năm 2024, bởi năm nay kế hoạch sử dụng đất đã ban hành  không còn hạn mức. 

Như vậy, để được chuyển mục đích thửa đất trên, ông Sinh phải chờ qua năm sau, khi kế hoạch sử dụng đất của TP.HCM được ban hành. "Cách làm này khiến người dân như tôi phải mất thêm 1 năm chờ đợi trong khi gia đình đang cần chuyển mục đích khu đất và tách thửa chia cho các con. Không chỉ vậy, hàng năm, hệ số K đều tăng nên tiền sử dụng đất theo đó cũng tăng hơn, gây thiệt hại cho người dân", ông Sinh nói.

Một trường hợp khác là ông Đinh Công Khương (ngụ quận 11, TP.HCM) phản ánh rằng, năm 2017 gia đình ông đấu thầu khu đất rộng gần 1.800m2 là đất khu dân cư hiện hữu được quy hoạch đất ở tại phường Tân Phú, quận 7 do ngân hàng phát mãi. Từ năm 2020, ông đã gửi hồ sơ nhiều lần đến UBND quận 7 nhưng đến nay mới chuyển mục đích được 300m2. Nguyên nhân khiến việc chuyển mục đích của ông khá chậm chạp là do năm 2022, khi bắt đầu làm hồ sơ chuyển mục đích thì quận trả lời chờ thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Trên thực tế, các hồ sơ nhà đất bị "đứng hình", không thể chuyển mục đích sử dụng đất do chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm như trường hợp của gia đình ông Sinh, ông Khương là rất nhiều.

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đang làm khổ ngươi dân - Ảnh 1.

Muốn chuyển mục đích sử dụng đất, người dân phải đăng ký trước một năm

ĐÌNH SƠN

Một lãnh đạo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 cho biết, hiện nay, người dân, doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở phải đăng ký ở xã phường vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo. Khi đó, chính quyền địa phương sẽ tổng hợp và gửi lên quận, quận sẽ tổng hợp gửi lên Sở Tài nguyên - Môi trường. Sau đó Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ báo cáo UBND TP.HCM để trình HĐND TP.HCM phê duyệt và thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Không chỉ TP.HCM mà tất cả các tỉnh thành khác quy trình đều phải làm như vậy vì luật Đất đai đã quy định.

Theo vị này, quy định trên nếu áp dụng cho dự án bất động sản với diện tích chuyển mục đích lớn thì hợp lý còn người dân, mỗi người chuyển một ít nhưng phải xin và chờ đưa vào kế hoạch hàng năm thì gây thiệt hại, phiền hà cho người dân, cho xã hội. Không chỉ vậy, quy trình này cũng gây vất vả cho bộ máy nhân sự chính quyền ở các cấp vì năm nào cũng phải bỏ công sức làm kế hoạch, trong khi kế hoạch sử dụng đất 5 năm đã được thành phố ban hành.

Kiến nghị không áp dụng kế hoạch sử dụng đất hằng năm

Trả lời về trường hợp của ông Đinh Công Khương, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết nguyên nhân chậm bởi một trong 3 lý do là kế hoạch sử dụng đất chưa được thành phố phê duyệt. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, ông Thành kiến nghị cần rút ngắn thời gian phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Hằng năm nên có 2 đợt phê duyệt. Trong đó, ưu tiên danh sách hộ gia đình, nhà riêng lẻ theo hạn mức đất ở nhằm giải quyết nhu cầu người dân, hạn chế mua bán, xây dựng trái phép.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM trong lần làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh mới đây đã kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Thay vào đó, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đang làm khổ ngươi dân - Ảnh 2.

Việc phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã gây khó khăn, phiền hà cho người dân

ĐÌNH SƠN

Bởi theo ông Nguyễn Toàn Thắng, quy hoạch sử dụng đất đã đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, gắn với thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, TP.HCM đã có quy hoạch xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng duyệt. UBND TP.HCM có thể căn cứ trên các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất.

Không chỉ vậy, từ bước chuẩn bị đến phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm mất rất nhiều thời gian và gần như không thể ban hành trước ngày 31.12 hàng năm. Việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân cũng có nhiều bất cập như người đăng ký rồi thì không có nhu cầu, người có nhu cầu thực sự thì đăng ký không kịp. 

Nguyên nhân bất động sản TP.HCM tăng trưởng âm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.