Kế hoạch xây đập lớn hơn đập Tam Hiệp của Trung Quốc bị đe dọa

Văn Khoa
Văn Khoa
28/04/2021 12:30 GMT+7

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng tình trạng sông băng ngày càng tan chảy do biến đổi khí hậu có thể đe dọa kế hoạch của Bắc Kinh xây đập thủy điện lớn nhất thế giới trên Tây Tạng.

Trung Quốc có kế hoạch xây đập thủy điện trên sông Yarlung Zangbo, con sông lớn nhất ở Khu tự trị Tây Tạng và là thượng nguồn của sông Brahmaputra ở Ấn Độ, với công suất tạo ra điện lên tới 70 GW, gấp 3 lần so với công suất của đập Tam Hiệp, hiện là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới.
Dự án xây siêu đập trên sông Yarlung Zangbo đã được chính phủ Trung Quốc phê chuẩn hồi năm ngoái và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), với hạn chót hoàn thành là năm 2035, theo tờ South China Morning Post (SCMP). 
 "Tình hình rất khó khăn"
Tuy nhiên, một trở ngại do sông băng tan chảy có thể khiến kế hoạch xây siêu đập ở Tây Tạng bị tạm dừng đáng kể. SCMP chỉ ra một trận lở đất do sông băng tan chảy hồi năm 2018 đã chặn sông Yarlung Zangbo ở lưu vực Sedongpu thuộc huyện Milin, tạo thành một cái hồ chứa khoảng 600 triệu m3 nước. Với dòng chảy đổ về từ thượng nguồn như hiện nay, đập có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Hồ Sedongpu nằm ở thượng nguồn và cách vị trí định xây đập thủy điện khổng lồ nói trên chỉ vài km và với lượng nước lớn ngay ở phía trên đầu, không có công nhân xây dựng nào có thể dám vào khu vực để dọn dẹp. Để có thể xây đập khổng lồ, trước tiên họ phải dọn dẹp đập nhỏ hơn do trận lở đất tạo nên.

[VIDEO] Trung Quốc lên kế hoạch xây "siêu đập" ở Tây Tạng, công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp

Nhiều nhóm nhà khoa học và kỹ sư, gồm cả một số chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về kỹ thuật xây dựng dân dụng, nghiên cứu sông băng và phòng ngừa lở đất, đã đến Sedongpu trong những năm gần đây. Các nhóm chuyên gia này đã thu thập một lượng lớn dữ liệu về vị trí định xây đập “khủng” bằng cách sử dụng dùng máy bay không người lái và những thiết bị khác và đã được giới chức hỏi về giải pháp sau khi hoàn thành đánh giá của họ.
“Tình hình rất khó khăn. Chưa có giải pháp tức thời”, giáo sư về kỹ thuật xây dựng dân dụng Hình Ái Quốc tại Đại học Giao thông vận tải Thượng Hải (Trung Quốc), một trong những chuyên gia tham gia nghiên cứu xây đập trên sông Yarlung Zangbo, nhận định, theo SCMP.
Các nhóm chuyên gia chưa thể tìm ra cách gia cố đập do lở đất tạo nên hay tháo dỡ nó một cách an toàn. Tình hình còn tồi tệ hơn khi họ phát hiện những đợt thiên tai tương tự có thể xảy ra lần nữa do biến đổi khí hậu.
“Khu vực đó rộng lớn và có nhiều sông băng”, ông Hình cho hay. Khoảng 1/4 số sông băng ở Cao nguyên Tây Tạng đã biến mất kể từ thập niên 1970 và 2/3 số sông băng còn lại sẽ không còn được nhìn thấy nữa trước cuối thế kỷ này, theo ước tính của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.
Một tảng băng có thể biến một trận lở đất trở thành thảm họa. Chẳng hạn, tại Sedongpu, một phần tảng băng đã trôi hơn 10 km với tốc độ lên tới 72 km/giờ, theo ước tính của trạm giám sát môi trường địa chất của Tây Tạng.

Đập Tam Hiệp, chắn ngang sông Dương Tử đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

CGTN

Nguy cơ bị phản đối

Ngoài ra, Bắc Kinh có thể lập luận rằng dự án xây siêu đập ở Tây Tạng là giải pháp thân thiện với môi trường, thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng có nguy cơ đối mặt sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động môi trường như khi đập Tam Hiệp được xây từ năm 1994-2012, theo AFP. Đập Tam Hiệp đã tạo ra một hồ chứa khổng lồ và khiến khoảng 1,4 triệu cư dân sơ tán.
New Delhi cũng đang quan ngại về dự án xây siêu đập ở Tây Tạng. Reuters hồi năm ngoái dẫn lời một quan chức Ấn Độ tiết lộ chính quyền New Delhi đang lên kế hoạch xây đập thủy điện của nước này trên sông Brahmaputra, nhằm tăng cường năng lực giữ nước và giảm thiểu ảnh hưởng của dự án Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.