Kè sông 12 tỉ đồng vỡ nát có bị rút ruột ?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
25/11/2019 07:26 GMT+7

Công trình kè sông 12 tỉ đồng ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) ngay khi vừa xây xong, chưa bàn giao đã bị vỡ nát, khiến dư luận đặt nghi vấn công trình này bị rút ruột.

Hạng mục hệ thống kè sông thuộc công trình Khu dân cư phía bắc đường Đống Đa do Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng TP.Quy Nhơn làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Huy (ở Bình Định).
Tổng chiều dài kè sông này chỉ 642 m. Ban đầu, gói thầu xây dựng có kinh phí 8,4 tỉ đồng (vốn ngân sách), nhưng khi thi công có điều chỉnh bổ sung nên kinh phí tăng lên 12 tỉ đồng (làm tròn). Khi công trình đã xây dựng hoàn thành theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đang chuẩn bị tổng nghiệm thu kỹ thuật và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nghiệm thu bàn giao, thì bất ngờ bị hư hỏng nặng, vỡ nát trong đợt bão số 5 vừa qua; trong đó có đến 400 m mái kè bị sập đổ, 80 m kè khác bị hư hỏng phần tấm bê tông lát mái taluy cùng phần đất đắp thân kè.

Ít sắt thép là do thiết kế ?

Người dân TP.Quy Nhơn rất “choáng” khi chứng kiến sự “bất ngờ vỡ nát” này. Nhiều người sống gần bờ kè cho rằng nguyên nhân của sự cố là do quá trình thiết kế và thi công “có vấn đề”. Cụ thể, đoạn đê này hằng năm phải chịu sự xâm nhập của triều cường nên phải được xây dựng với tính chất như kè biển mới trụ vững. Hơn nữa, một công trình kè sông dài 642 m nhưng không có trụ bê tông đứng, chỉ có dầm ngang (giằng kè) bên trong có 4 cây thép phi 12 nằm trên mặt đất và cả đoạn kè trên thi công không được xây móng bằng đá chẻ, nên khó chống đỡ triều cường. Chính vì vậy, nhiều người nghi ngờ công trình bị rút ruột.

Các tổ chức tham gia xây dựng kè

Tham gia vào công trình này có Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông Bình Định là đơn vị tư vấn thiết kế công trình. Thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán là Sở Xây dựng Bình Định. Thi công công trình là Công ty TNHH Thanh Huy; tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp An Thịnh. Đơn vị thực hiện thí nghiệm chất lượng công trình là Công ty CP tư vấn xây dựng Thanh Ngân (Las 768).
Trước bức xúc của dư luận, ông Nguyễn Thái Diễn, Giám đốc BQL đầu tư xây dựng TP.Quy Nhơn, cho rằng nguyên nhân sự cố là do nước triều dâng cao kèm sóng lớn, nên nước đã vượt qua khỏi đỉnh kè, gây xói lở, cuốn trôi phần lớn đất đắp thân kè làm cho mái kè biến dạng. “Theo hồ sơ thiết kế, phần mái có bê tông cốt thép, phần bệ đỡ lan can thì đoạn giữa các trụ không có thép, có trụ lan can thì có cốt thép, phần giằng kè đều có thép. Quan điểm của đơn vị thiết kế thì phần mái chịu sóng gió nên người ta gia cố về cốt thép. Phần bệ đỡ lan can phía trên thì ổn, bố trí cốt thép sẽ làm tăng kinh phí không cần thiết, nên đơn vị tư vấn đưa ra kết cấu như thế. Bản vẽ như thế thì nhà thầu thi công như thế. Đoạn không thép là làm theo thiết kế chứ không phải thiết kế có thép mà đơn vị thi công rút ruột”, ông Diễn nói.

Bệ đỡ lan can không có cốt thép, giằng kè bên dưới có 4 cây thép phi 12

Ông Diễn khẳng định BQL đầu tư xây dựng TP.Quy Nhơn đã làm việc rất nghiêm túc trong quá trình giám sát dự án, nhưng “bây giờ nói sai chỗ nào thì chưa thể trả lời được, hiện đơn vị tư vấn độc lập chưa có báo cáo chính thức”.

Ai bỏ tiền khắc phục ?

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng dự án hệ thống kè sông này do UBND TP.Quy Nhơn làm chủ đầu tư nên phải có trách nhiệm làm rõ, phải chịu trách nhiệm chính trong việc khắc phục. “Nếu do lỗi của đơn vị tư vấn, thiết kế hoặc thi công, thì đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm sửa chữa, không lấy tiền ngân sách ra để khắc phục”, ông Dũng khẳng định.
Ngày 24.11, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, cho biết đơn vị thi công đang thu dọn hiện trường vỡ nát để chờ khắc phục. “Chúng tôi đang chờ đơn vị tư vấn độc lập có báo cáo chính thức về nguyên nhân sự cố công trình và đề xuất phương án khắc phục, sau đó sẽ tổ chức phản biện rồi báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo. Còn kinh phí khắc phục thì cũng phải chờ xác định nguyên nhân do đâu, nếu nguyên nhân chủ quan thì ai gây ra người đó chịu”, ông Nam nói.

“Huề cả làng” kè biển 80 tỉ đồng vỡ nát

Liên quan đến công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan bị sóng đánh vỡ vụn mà Thanh Niên từng phản ánh, về trách nhiệm các bên liên quan, ngày 24.11, ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết đã nghiêm túc kiểm điểm tập thể lãnh đạo huyện và các cá nhân có liên quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.

Cụ thể, tập thể lãnh đạo UBND H.Hoài Nhơn rút kinh nghiệm sâu sắc, còn các cá nhân liên quan bị chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hoài Nhơn để kiểm tra các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định. Theo ông Thương, đơn vị tư vấn độc lập đã kết luận kè chống xói lở bờ biển Tam Quan bị hư hỏng nguyên nhân chính là do yếu tố khách quan, cụ thể là do thời tiết diễn biến bất thường gây sóng lớn; nguyên nhân chủ quan của các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thẩm tra, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát, đại diện chủ đầu tư… Đây là lần đầu tiên xây kè biển nên lãnh đạo H.Hoài Nhơn thiếu kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, thi công.
Công trình này do UBND H.Hoài Nhơn làm chủ đầu tư, dài gần 2,4 km, tổng vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng, thời gian thi công từ 2015 - 2017. Tháng 12.2016, triều cường làm sập 282 m bờ kè Tam Quan; đầu năm 2018 lại phát hiện thêm 672 m đê kè bị vỡ nát. Hiện kè biển này tan hoang và chưa được khắc phục khiến người dân địa phương bức xúc vì bị đe dọa an toàn đường giao thông và khu dân cư ven biển.
Sau sự cố này, UBND tỉnh Bình Định quyết định cấm Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng SPQD (đơn vị tư vấn thiết kế dự án kè biển Tam Quan) hoạt động lĩnh vực thiết kế đê kè sông, biển; cấm Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển Bình Định (đơn vị giám sát dự án) hoạt động lĩnh vực giám sát thi công đê kè sông, biển trong 3 năm trên địa bàn tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.