'Kéo' bệnh nhân ra ngoài mổ dẫn đến tử vong: Hội đồng chuyên môn kết luận thế nào?

Duy Tính
Duy Tính
14/05/2018 15:27 GMT+7

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế khẳng định quá trình tiếp nhận, chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân S. tại BV đa khoa Bưu Điện là có sai sót chuyên môn và BV này phải chịu trách nhiệm về sai sót chuyên môn này.

Ngày 14.5, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân B.T.S (66 tuổi) khám tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, BV Chợ Rẫy nhưng được bác sĩ P.V.S của BV Bình dân đưa ra BV đa khoa Bưu Điện mổ.

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế khẳng định quá trình tiếp nhận, chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân S. tại BV đa khoa Bưu Điện là có sai sót chuyên môn và BV đa khoa Bưu Điện phải chịu trách nhiệm về sai sót chuyên môn này.
Theo bác sĩ Mai, bệnh nhân S. được chẩn đoán rõ ràng vào tháng 2.2018 (tại BV Bình Dân) nhưng chỉ định phẫu thuật vào tháng 4.2018 tại BV đa khoa Bưu Điện là chưa phù hợp, vì tháng 2 bệnh nhân nhẹ nhưng mãi tháng 4 bệnh nhân nặng hơn và bác sĩ T.V.S (BV Bình Dân) đã không đánh giá lại bằng các chẩn đoán xét nghiệm, X-quang, MRI mà “nhảy” vào mổ và không lường trước được sự việc. Điều này dẫn đến bệnh nhân nhân tử vong.
Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S. được xác định là do sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan không hồi phục trên bệnh nhân viêm phúc mạc do bục miệng nối trực tràng sau phẫu thuật STARR (phương pháp phẫu thuật).
Hội đồng chuyên môn yêu cầu BV đa khoa Bưu Điện phải rút kinh nghiệm chuẩn bị bệnh nhân kỹ càng trước khi mổ: BV cần có phác đồ điều trị đối với bệnh lý lồng trong trực tràng và sa trực tràng kiểu túi; các xét nghiệm thực hiện trước mổ không được để kéo dài 2 tháng. Bác sĩ lâm sàng cần phối hợp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để cho ý kiến chọn lựa phương pháp phẫu thuật thích hợp. BV phải mời hỗ trợ chuyên môn để thực hiện những ca khó.
Nội dung kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ được chuyển sang Thanh tra Sở Y tế để làm rõ trách nhiệm của phẫu thuật viên là bác sĩ S. Theo bác sĩ Mai, bác sĩ S. đã mổ 97 ca tương tự và thành công tại BV Bình Dân. Tuy nhiên, tại BV đa khoa Bưu điện thì bác sĩ S. chỉ ký hợp đồng để làm ngoài giờ, không cung cấp được chuyên môn kỹ thuật được làm tại BV Bình Dân khi hành nghề tại BV đa khoa Bưu Điện (thiếu về mặt hành chính). Bác sĩ S. sẽ bị BV Bình Dân xử lý theo quy định của Luật Cán bộ viên chức, bởi vì bác sĩ công muốn làm việc ngoài giờ thì phải báo cáo về Sở để Sở quản lý.
Trước đó, gia đình bệnh nhân S. tố bác sĩ P.V.S đưa bệnh nhân S. ra BV đa khoa Bưu điện mổ lồng trong trực tràng mặc dù trước đó bà S. khám tại BV Bình Dân. Sau mổ, bệnh nhân bị xuất huyết ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ... và được phẫu thuật lần 2.
Tuy nhiên, khi tiến hành gây mê mổ lần 2 (ngày 16.4) để phẫu thuật thì bệnh nhân hôn mê. Chiều tối cùng ngày, bệnh nhân được chuyển qua BV Chợ Rẫy, hôm sau thì tử vong. Theo giải trình của bác sĩ P.V.S gửi lãnh đạo BV Bình Dân, bệnh nhân S. là người quen nên không có việc “cò kéo” đưa bệnh nhân ra ngoài mổ.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP nhận định, khả năng bục miệng nối có thể do những lý do dưới đây: Lỗi kim bấm do siết không đủ chặt nên phẫu thuật viên phải tăng cường một mũi; tiền sử bệnh nhân đã được mô u xơ tử cung, có thể tạo sẹo co kéo làm thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng chậu; miệng nối căng có thể do thoát vị túi và lồng trong chưa nhiều; đây là một trong những biến chứng có khả năng xảy ra theo tổng kết của y văn thế giới vào những năm 2008, 2011, 2017 và nguyên nhân chưa được xác định.
Việc bệnh nhân diễn biến nhanh dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc sau bục miệng nối trực tràng vì đây là vùng nhiều vi khuẩn có nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn nặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.