Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam

08/03/2023 04:18 GMT+7

Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 3, hơn 4.000 du khách đa quốc tịch đã theo những tàu biển quốc tế hạng sang cập cảng VN. Trong bối cảnh các thị trường khách truyền thống khó khăn, nhóm "khách sộp" sẵn sàng chi trả hàng trăm ngàn USD cho 1 chuyến du ngoạn trên biển sẽ là cơ hội để các điểm đến tăng nguồn thu, vực dậy du lịch.

Kỷ lục đón du thuyền siêu sang

"Thật tuyệt vời! Tôi sẽ quay trở lại VN", vị khách người Đức trên tàu biển Europa 2 thích thú sau hành trình 4 ngày tại VN. Cập cảng SPCT (TP.HCM) trưa 3.3, Europa 2 chở theo 400 khách quốc tịch Đức đã có 1 ngày tham quan trung tâm kinh tế lớn nhất VN, trước khi rời tàu vào chiều 4.3 để đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vào 6.3. Tại đây, đoàn khách của tàu biển cao cấp này đã có hành trình khám phá Hội An và Huế, tham quan vườn rau Trà Quế, đạp xe trên những con đường tuyệt đẹp, tận hưởng không gian yên bình ở phố cổ Hội An và tìm hiểu cố đô Huế trầm mặc giàu lịch sử, văn hóa với các công trình nổi tiếng.

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 1.

Tàu biển Azamara Quest cập cảng Sài Gòn ngày 1.3

T.T

Trước đó, trưa 1.3, tàu biển Azamara Quest cập cảng Sài Gòn cũng mang theo 300 du khách quốc tịch Anh, Mỹ, Đức, Úc... Đơn vị tổ chức đón tàu là Lữ hành Saigontourist đã tổ chức cung cấp hành trình tham quan TP.HCM, Bến Tre cho đoàn khách trong 3 ngày. Tối đầu tiên tại VN, 300 vị khách siêu sang đã có sự kiện đặc biệt "Amazing Evening Event", đắm chìm trong không gian văn hóa đậm chất VN, cùng tìm hiểu và thử sức với các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực Việt đặc sắc tại Khu du lịch Bình Quới.

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 2.

Khách du lịch quốc tế đến Hạ Long bằng tàu biển, ngày 22.1

Lã Nghĩa Hiếu

Ngày 5.3, tàu tiếp tục cập cảng Tiên Sa để đoàn khách khám phá TP.Đà Nẵng, phố cổ Hội An, cố đô Huế và rời VN vào tối cùng ngày. Azamara Quest vừa nhổ neo thì 1.500 du khách đa quốc tịch trên tàu biển Resort World One đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), tham gia các tour khám phá TP.HCM và Mỹ Tho trong ngày 5.3. Khách tham quan các điểm đến nổi tiếng của TP.HCM như Nhà hát Thành phố, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử, tòa nhà Bitexco, địa đạo Củ Chi…; sau đó khám phá miệt vườn miền Tây Nam bộ và thưởng thức các món ngon đậm đà hương vị Việt. Đoàn khách quốc tế đã vô cùng phấn khích với các hành trình phong phú, những trải nghiệm đặc biệt.

Thu nhập của người dân ngày càng tăng, kéo theo xu hướng trải nghiệm du lịch hạng sang cũng tăng cao. Khách đi trên tàu tận hưởng rất nhiều dịch vụ, hải trình đi qua nhiều nước, tiêu rất nhiều tiền.


Ông Võ Việt Hòa (Giám đốc khối inbound Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist)

Phía Nam dồn dập đón "khách sộp", các cảng phía Bắc cũng không chịu kém cạnh. Ngày 6.3, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón tàu biển cao cấp Mein Schiff 5 (quốc tịch Malta) với gần 2.000 du khách châu Âu, chủ yếu là quốc tịch Đức. Du khách sau khi cập cảng đã tham quan, khám phá các điểm đến nổi tiếng với hành trình đa dạng và độc đáo như vịnh Hạ Long, trải nghiệm chèo thuyền kayak chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong vịnh và các hang động kỳ thú. Đoàn còn có chương trình khám phá non thiêng Yên Tử, ghé thăm thủ đô Hà Nội; tham quan Hải Phòng, trải nghiệm trekking trên đảo Cát Bà. Đây là tàu biển du lịch quốc tế thứ hai và là đoàn khách tàu biển lớn nhất đến Quảng Ninh từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 22.1 (mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão), Hạ Long đã đón tàu biển Silver Spirit đưa 500 khách du lịch quốc tế đến "xông đất".

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 4.

Du khách quốc tế trên tàu du lịch biển Silver Spirit cập Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, ngày 23.1

NGUYỄN TÚ

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên của tháng 3, 4 tàu biển quốc tế đã đưa hơn 4.200 du khách đa quốc tịch đến nước ta. Đây là kỷ lục mới trong năm 2023 về mật độ tàu biển cập cảng VN sau 3 năm dịch bệnh.

Tàu cập tới đâu, kích hoạt dịch vụ tới đó

Dồn dập các du thuyền hạng sang đến ngay trong những tháng đầu năm kỳ vọng mở ra mùa khách tàu biển "bội thu", bởi trước khi đại dịch bùng phát, VN nằm top đầu những điểm đến có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất khu vực châu Á với hơn 400 chuyến tàu/năm, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia. Đây cũng là một trong những thị trường khách trọng điểm đang được các địa phương xúc tiến thúc đẩy, bởi khách tàu biển là đối tượng khách hạng sang, sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho những dịch vụ đẳng cấp. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chỉ ra rằng du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đây là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để.

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 5.

Khách châu Âu trên du thuyền cập cảng Sài Gòn

Hà Mai

Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối inbound Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết thông thường khách đi du lịch tàu biển phải chuẩn bị ít nhất 1 năm, lịch tàu thậm chí phải chuẩn bị trước 2 năm nên số lượng tàu vừa cập cảng VN hiện nay hầu hết đều là những đoàn khách đã lên kế hoạch từ trong giai đoạn dịch bệnh. Họ đã sẵn sàng hết rồi, chỉ chờ các cảng ở Trung Quốc mở lại để có thể chạy tàu. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch của khách tàu biển là rất cao. Khách tàu biển có đặc thù đi theo đoàn lớn. Nếu như 1 đoàn khách đi đường hàng không thuê trọn gói 1 chuyến bay cũng chỉ được tối đa khoảng 200 khách thì một con tàu có thể chở 2.500 - 3.000 khách. Cộng với thủy thủ, thuyền viên, mỗi con tàu cập bến có thể đóng góp vào danh sách khách quốc tế đến VN thêm 5.000 - 6.000 lượt người. Với hàng ngàn du khách đẳng cấp cao, sẵn sàng chi trả tới 250.000 USD cho 1 chuyến du ngoạn vài tháng trên biển, mỗi con tàu cập bến là cơ hội để các điểm đến tăng nguồn thu, vực dậy ngành du lịch.

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 6.

"Thu nhập của người dân ngày càng tăng, kéo theo xu hướng trải nghiệm du lịch hạng sang cũng tăng cao. Khách đi trên tàu tận hưởng rất nhiều dịch vụ, hải trình đi qua nhiều nước, tiêu rất nhiều tiền. Đơn cử, họ đến VN, vào TP.HCM 1 ngày rồi đi tiếp ra Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng… Như vậy là doanh nghiệp lữ hành đã bán được 1 tour 6 ngày 5 đêm rồi. Toàn bộ dịch vụ xe chuyên chở, hướng dẫn viên có việc làm. Rồi tàu cập cảng ở đâu, thức ăn, đồ uống được đưa lên phục vụ ở đó. Chưa kể khách và thuyền viên đều xuống mua sắm, ăn uống, tiêu tiền. Mỗi lần có tàu cập cảng Sài Gòn là y như rằng hôm đó cả chợ Bến Thành "ngập" màu áo thủy thủ. Lợi ích lan tỏa rất mạnh", ông Võ Việt Hòa dẫn chứng.

Kéo du thuyền mang 'khách sộp' tới Việt Nam - Ảnh 7.

Tàu du lịch biển Silver Spirit cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 23.1

NGUYỄN TÚ

Rào cản visa và cầu cảng

Chiến lược phát triển du lịch VN năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, VN có nhiều điểm du lịch đa dạng từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền núi tới đồng bằng, bãi biển, đảo với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và các di tích văn hóa lịch sử lâu đời. Những khu du lịch biển nổi tiếng nước ta như: Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều được xem là có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.

Theo "Đóng góp của du lịch tàu biển vào nền kinh tế toàn cầu năm 2018" do Hiệp hội Các hãng tàu biển du lịch quốc tế công bố vào năm 2018, số lượng khách du lịch tàu biển và thủy thủ đoàn cập bờ là 14,36 triệu lượt, tổng mức tiêu thụ trực tiếp tạo ra đạt 67,97 tỉ USD, tổng đóng góp cho sản xuất là 150,13 tỉ USD, tổng đóng góp vào thu nhập là 50,24 tỉ USD. Năm 2020, tổng giá trị của du lịch tàu biển được dự kiến đạt 50 tỉ USD nếu không có dịch bệnh Covid-19.

Tiềm năng lớn là vậy, song ông Võ Việt Hòa cho rằng thực tế năng lực đón khách tàu biển của VN còn rất hạn chế. Đầu tiên do vấn đề visa. Cũng bởi đặc thù số lượng khách theo mỗi tàu rất lớn nên việc xin duyệt visa rất khó khăn. Một con tàu 5.000 - 6.000 người, để làm visa phải chuẩn bị rất nhiều hồ sơ và điều khoản khác. Khách tàu biển thường được khuyến khích làm visa theo đoàn để tiện khi xuất nhập cảnh, lực lượng biên phòng dễ kiểm tra, kiểm soát và hạn chế tối đa sai sót. Chưa kể, nếu để khách làm visa tự túc thì trường hợp tàu tạm dừng tại 1 điểm hay ra khỏi VN rồi rất khó quay trở lại. Đó cũng là một trong những điểm hạn chế về thủ tục xuất nhập cảnh của VN.

"Visa khách đoàn thì trước giờ chúng ta có rất nhiều điều kiện, làm hồ sơ tốn rất nhiều thời gian. Khách tới VN cũng thường than nhập cảnh các nước khác làm thủ tục rất nhanh, nhưng ở VN vừa lâu vừa nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, đón khách tàu biển đòi hỏi đội ngũ hậu cần phải am hiểu, có kinh nghiệm nhưng phải là lực lượng trẻ, khỏe, tâm huyết. Hiện kiếm người làm khách tàu biển cực khó. Vì nhiều khó khăn, phần hậu cần phức tạp nên ở VN hiện nay, chỉ đếm trên đầu ngón tay số lượng các công ty có thể làm được thị trường tàu biển", đại diện Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist phân tích.

Bên cạnh visa, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP), đánh giá một trong những khó khăn lớn nhất của VN hiện nay là mạng lưới cảng biển. Trên thế giới, các nước muốn phát triển khách tàu biển thì ngay từ đầu đã có quy hoạch rõ ràng giữa cảng tàu khách và cảng tàu hàng. Cảng đón tàu du lịch lớn khoảng 5.000 khách phải là cảng nước sâu, mớn nước tới 12 m. Toàn bộ chi phí từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch đến xây dựng những cảng như vậy phải mất nhiều ngàn tỉ đồng. Ở VN có một số cảng đáp ứng được yêu cầu này là cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu); khu cảng Nam Vân Phong, cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa); Phú Quốc (Kiên Giang); Đà Nẵng; cảng Hạ Long (Quảng Ninh), song chỉ có cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là chuyên đón tàu khách. Những cảng còn lại dành cho cả tàu container chở hàng. Trong khi đó, mỗi lần tàu khách cập cảng chỉ trả tối đa 40.000 USD phí cho cảng, còn tàu container phải trả tới 200.000 USD. Với mức lợi chênh lệch như vậy, dĩ nhiên các cảng sẽ ưu tiên đón tàu hàng. Ngoài ra, mặt bằng quản lý du lịch tàu biển của VN hiện rất lạc hậu, mang nặng tính hành chính, thủ tục chồng thủ tục, phí chồng phí, thị trường đã hẹp lại càng thêm khó.

Người Việt chưa chuộng du lịch tàu biển

Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Viet Excursions, người Việt không có thói quen du lịch trên sông nước dài ngày. Thực tế, nhu cầu du lịch biển dài ngày ở VN rất ít, trong khi để đóng 1 con tàu lớn hạng sang phải bỏ chi phí cực lớn nên không DN nào dám tham gia. Nếu để đón thêm khách từ nước khác giống như tàu quốc tế thì VN chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm và mạng lưới hành khách để cạnh tranh với các hub du lịch tàu biển như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Đó đang là một cuộc chơi rất khốc liệt mà mình khó có cơ hội chen vào.

Đồng tình, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối inbound Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đánh giá mặc dù hiện nay nhu cầu có tăng lên so với trước, người Việt cũng bắt đầu có thói quen sử dụng dịch vụ trên tàu nhưng vẫn mới chỉ dừng ở mức "nhập môn", đi tàu dài ngày là thấy chán nên các công ty lữ hành phải tổ chức tour outbound đưa khách sang Singapore, Malaysia, Hồng Kông đi tàu biển vài ngày rồi bay về VN. Saigontourist cũng có ý định hợp tác cùng các hãng tàu biển nước ngoài để khai thác nguồn khách nội địa, nhưng quy định hiện nay yêu cầu công ty phải 100% vốn VN mới được khai thác khách nội. Nếu thuê hoặc mua tàu của họ, mỗi chiếc hàng tỉ USD thì với lượng khách ít ỏi, kinh doanh chắc chắn thua lỗ.

Cơ hội nào cho hãng tàu Việt?

Một chuyến du ngoạn 5 ngày 4 đêm trên tàu nhỏ phải bỏ chi phí 20.000 - 30.000 USD/người, trong khi vé đi tàu khách lớn 6 ngày 5 đêm tham quan Singapore - Malaysia - Thái Lan chỉ tốn khoảng 1.000 USD/người. Nếu chọn phân khúc nhỏ, đóng những con tàu sức chứa 200 - 500 khách thì không đủ bù lỗ. GreenlinesDP từng thuê 1 du thuyền công suất 500 khách từ San Diego (Mỹ) về VN khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo - Phú Quốc nhưng rồi cũng phải từ bỏ vì chi phí nhiên liệu, khấu hao trang thiết bị, rồi thuyền viên, nhân viên phục vụ… quá cao, không thể nào "bổ" đầu khách mà hoàn vốn được, chưa nói đến có lời. Mà để giá cao quá thì "ế chắc". Nhìn chung điều kiện thực tế hiện nay, rất khó để VN xây dựng được hãng tàu biển lớn mạnh.

Ông Trần Song Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP - GreenlinesDP)

Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch"

Là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, thế nhưng VN lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực? Theo trang VisaGuide.World công bố cuối năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của VN hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 - 31%. Nguyên nhân quan trọng là do lượng khách quốc tế, đối tượng khách đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch VN chưa đạt được kỳ vọng. Minh chứng là trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến VN chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu khách. Năm 2023, VN lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, song con số này đang gặp thách thức rất lớn khi Trung Quốc chưa đưa VN vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn.

Một trong những nguyên nhân khiến VN mở cửa sớm nhưng khách quốc tế lại ít đến hơn các nước láng giềng là các vấn đề liên quan đến thị thực (visa). Để vực dậy các DN du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ đang hết sức khó khăn; để phục hồi du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" vào lúc 8 giờ 30 ngày 10.3 với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các chuyên gia, DN hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không tại VN. Mục tiêu của hội thảo là đưa ra các giải pháp, đề xuất để thu hút khách quốc tế, từ đó phục hồi du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.