Kéo vali leo 4 tầng để đón xe tại sân bay ?

21/11/2020 07:02 GMT+7

Sáng 20.11, bên trong nhà xe TCP của sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt khách.

Tại khu vực để ô tô tầng 4, tầng 5, rất nhiều hành khách khệ nệ tay xách đồ, tay đẩy xe đứng chờ đón taxi công nghệ. Hai thang máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn thường xuyên quá tải.
Tình trạng này diễn ra từ ngày 14.11, kể từ khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chính thức áp dụng quy định phân làn, phân luồng ô tô mới.

Đề xuất xây cầu đi bộ, hầm chui ở sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm kẹt xe

Xe taxi được ưu tiên ?

Theo đó, làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay và cấm đón khách. Làn B, làn C dành cho các phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải). Xe gia đình đón thì có thể vào 2 làn này, nhưng dừng không quá 3 phút. Còn làn D là ở nhà giữ xe ở sân bay dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách (áp dụng cho xe kinh doanh có đăng ký nhượng quyền với sân bay).
Suốt 1 tuần qua, rất nhiều tài xế xe công nghệ đã thể hiện bức xúc, cho rằng việc phân làn không công bằng khi taxi được đón khách gần hơn, còn xe công nghệ phải di chuyển lên tầng cao và chịu chi phí 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng như trước. Việc di chuyển quá xa khiến nhiều hành khách hủy chuyến, tài xế vừa mất khách, vừa tốn phí. Nhiều hành khách phàn nàn vì muốn đón taxi công nghệ phải đi quá xa. Chưa kể nhà xe TCP chỉ có 2 thang máy, không đủ đáp ứng nhu cầu nên nhiều khách phải vác đồ đi thang bộ 4 - 5 tầng mới lên được chỗ đón xe.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết việc tổ chức phân làn theo phương án mới nhằm đảm bảo an toàn, trật tự giao thông tại khu vực trước cửa nhà ga; đồng thời phù hợp với quy định tất cả hãng taxi hoặc hãng kinh doanh vận tải muốn tham gia vận chuyển hành khách tại cảng hàng không đều phải tuân thủ Thông tư 17 của Bộ GTVT. Theo hợp đồng ký với sân bay, đơn vị vận tải sẽ trả chi phí và sân bay sẽ phân bổ vị trí đón khách hợp lý cho đối tác hợp đồng.
“Làn D dành cho taxi, xe hợp đồng với sân bay hiện nay có gần 20 vị trí đậu xe để đón khách, khoảng một nửa dành cho các đơn vị ký hợp đồng liên kết với sân bay, nửa còn lại dành cho các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh, Vinataxi... Xe kinh doanh ngoài các đơn vị taxi hay DN đăng ký kinh doanh nhượng quyền với sân bay và xe gia đình đậu quá 3 phút thì phải lên lầu 3, 4, 5 của nhà xe TCP để đón khách và trả phí dịch vụ cho nhà xe”, vị này thông tin.

Chọn thuận tiện hay văn minh ?

Bên cạnh nhiều ý kiến phàn nàn, cũng có nhiều người dân bày tỏ đồng tình với phương án tổ chức giao thông mới của sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, anh N.M.T (ngụ Q.4) chia sẻ: Ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất có đặc điểm là khu ga đến và ga đi chung, nên việc phân chia như thế cũng là bình thường. Các sân bay tương tự ở các nước phát triển mà anh T. từng đến cũng sắp xếp như thế để trật tự hơn. “Mấy hôm nay tôi thấy nhiều người than vãn là phức tạp, là mất công di chuyển nhiều hơn (khi xe quá 3 phút, phải lên nhà giữ xe). Nhiều người bình thường hay đòi hỏi phải được trật tự, văn minh, an toàn như nước ngoài, nhưng đến khi người ta làm cho văn minh mà thấy bản thân mất công hơn thì lại than vãn. Cứ thích văn minh mà vẫn muốn luôn thuận tiện cho bản thân thì ở đâu ra?”, anh T. thẳng thắn nêu quan điểm.
Phân tích kỹ hơn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất không kham nổi lưu lượng phương tiện ra vào sân bay quá lớn nên việc phân luồng xe để tránh tình trạng quá tải là hợp lý.
Nhìn theo kinh tế thị trường, ngân sách nhà nước có hạn, một số hạng mục tại sân bay phải có kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, dịch vụ xe ra/vào đưa đón hành khách tại sân bay được chia thành 2 phần: Phục vụ người dân và kêu gọi tư nhân cùng tham gia đóng góp.
Theo ông Sơn, với phương án mới, cảng hàng không Tân Sơn Nhất vẫn dành ưu tiên cho xe cá nhân đưa/đón hành khách ở các làn A, B, C vì người dân đã đóng thuế, phí cho nhà nước. Đối với xe kinh doanh thì những xe nào có hợp đồng với sân bay sẽ được ưu tiên đón khách ở gần, xe công nghệ không đóng phí nên bị “đẩy” ra xa hơn, như vậy là hợp lý. Trường hợp tất cả đơn vị kinh doanh vận tải cùng tham gia thì phải có phương án điều tiết, luân phiên nhau để tạo cân bằng. Hầu hết sân bay tại các nước phát triển cũng thực hiện phương án phân luồng tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.