Xe

Kết luận điều tra bổ sung đại án Huỳnh Thị Huyền Như

18/11/2016 07:55 GMT+7

CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung đại án Huỳnh Thị Huyền Như, giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank, Vietinbank chi nhánh TP.HCM.

Hôm qua (17.11), liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung, giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng (NH) Nam Việt (Navibank, nay đã được tái cơ cấu và đổi tên) và NH TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM.
Cụ thể: Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán đều bị truy tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tháng 8.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra kết luận điều tra đề nghị truy tố 12 bị can trên. Tuy nhiên, ngày 4.10, Viện KSND tối cao có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu điều tra xử lý ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM), ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương (đều là nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM). Đồng thời, yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm hành chính đối với 9 đối tượng giúp việc cho Huyền Như vì đã ký hồ sơ gửi tiền, vay tiền giúp Huyền Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng của NH TMCP Quốc tế VN (VIB).
Theo kết luận điều tra bổ sung, kết quả điều tra có căn cứ xác định hành vi của ông Sẽ, ông Hoàng và bà Hương đã thực hiện đúng theo quy định của ngân hàng nên chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, là lãnh đạo của Vietinbank thì phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn vật tư, tài sản, tiền vốn, con người nhưng những người này đã không quản lý chặt chẽ cán bộ dưới quyền, để một số cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm về hành chính. Ngày 26.10.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn đề nghị NH Vietinbank xem xét, có hình thức xử lý hành chính với 3 cá nhân trên.
Đối với 9 người giúp việc cho Huyền Như, kết quả điều tra bổ sung xác định mặc dù không có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, không đến Vietinbank chi nhánh Nhà Bè gửi tiền nhưng do Huyền Như chỉ đạo, họ đã ký hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Đồng thời, 9 người này cũng đã ký hợp đồng vay vốn tại VIB chi nhánh TP.HCM, thế chấp bằng các hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, giúp Huyền Như vay vốn được ở VIB và chiếm đoạt của VIB 180 tỉ đồng. Như vậy, hành vi của 9 đối tượng này không đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm. Ngoài ra, chưa có văn bản pháp luật nào quy định là vi phạm nên không có căn cứ xử lý hành chính đối với nhóm người giúp việc trên của Như.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.