Kết luận thanh tra 6 năm chưa ban hành, ai chịu trách nhiệm?

26/10/2022 04:37 GMT+7

Thảo luận luật Thanh tra sửa đổi, nhiều đại biểu nêu tình trạng có kết luận thanh tra 6 năm chưa ban hành song không rõ nguyên nhân cũng không rõ ai chịu trách nhiệm.

Tránh chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra

Sáng 25.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành ý kiến hệ thống thanh tra gồm cả 3 cấp T.Ư, tỉnh và huyện. Tuy nhiên, không nhất thiết “cục thuộc bộ, ngành nào cũng có tổ chức thanh tra, mà phải có các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể”. Đặc biệt, cần phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa thanh tra bộ và tổng cục, cục để rạch ròi, tránh trùng lắp, chồng chéo.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Gia Hân

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng tán thành với quy định trong dự thảo luật phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở; tuy nhiên cần nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp được thành lập. “Nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau”, ĐB Tâm nêu.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thì nêu thực tế kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước (KTNN) khác nhau. Trong trường hợp có độ trễ, KTNN có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý thế nào? Đặc biệt, về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra “có những cuộc thanh tra thực hiện từ năm 2015, 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra”. Ông cũng đặt câu hỏi việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục và chế tài ra sao?

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng cho rằng dự thảo luật còn bỏ trống, chưa quy định rõ việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra T.Ư đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm. “Không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra”, bà Thúy nói và đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.

ĐB này cũng đề nghị cần quy định số lượng cuộc thanh tra trong 1 năm với bộ, ngành, địa phương. Thực tế thời gian qua một số địa phương quy định không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành với DN trên địa bàn được DN đánh giá cao, dành nhiều thời gian hơn cho sản xuất, kinh doanh.

Ưu đãi chưa hấp dẫn, thiếu quy định khai thác tận thu dầu khí

Chiều cùng ngày, thảo luận về luật Dầu khí sửa đổi, nhiều ĐB thống nhất với đề xuất bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí theo hướng DN khai thác được thực hiện tính toán trực tiếp chênh lệch thu chi trong hoạt động khai thác, không phải nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí và sau khi hợp đồng này kết thúc, giao cho Tập đoàn dầu khí VN được tiếp quản quản lý, sử dụng tài sản công là các tài sản, công trình dầu khí đã được lắp đặt, đầu tư và khai thác.

Nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau.

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tại thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực nên đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư và hoạt động dầu khí tại VN.

Từ đó, ĐB Hùng cho rằng, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào ngân sách nhà nước đối với việc khai thác các mỏ này cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù. “Quy định hiện nay của dự thảo luật sẽ chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí”, ĐB Hùng nêu.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) thì đề nghị luật Dầu khí sửa đổi phải lưu ý tránh được nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong luật Dầu khí, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng. “Việc Petro VN mất nửa tỉ USD đầu tư vào các mỏ Junin ở Venezuela trong khi chưa thẩm định, đánh giá giá trị các thông tin mỏ là một bài học của VN. Trong khi nước ta còn nghèo, Petro VN phải rút được bài học từ vụ Junin và các vụ đầu tư thất bại của mình, làm sao những sai lầm lần này không lặp lại”, ĐB Thịnh nói.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc điều tra cơ bản về dầu khí nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Cạnh đó, điều tra cơ bản về dầu khí thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Việc ký kết thỏa thuận giữa PVN và tổ chức khác chỉ được thực hiện khi không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xin báo cáo rõ như vậy”, ông Diên nói.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Giao dịch điện tử nhưng "người dân vẫn bị yêu cầu nộp thêm bản giấy"

Tiếp nhận văn bản điện tử xong vẫn yêu cầu bản giấy

Sáng 25.10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình dự án luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Việc xây dựng luật sửa đổi nhằm tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử (GDĐT), công nhận GDĐT có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực.

Cho ý kiến thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi ở VN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế phạm vi mở rộng; nhiều nước cũng chưa áp dụng GDĐT với các lĩnh vực như đất đai, thừa kế... Ngoài ra, việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng “có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch”.

Đáng chú ý, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường cũng nêu thực trạng, vẫn còn tình trạng một số DN và người dân bị từ chối tiếp nhận văn bản bằng điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu nộp thêm bản giấy. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý GDĐT từ người dân và DN gửi, không được từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT.

Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, ông Diên thông tin, dự thảo luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt chưa được quy định tại luật Dầu khí hiện hành. Cụ thể, nhà đầu tư được hưởng mức thuế suất thu nhập DN là 25% so với mức 32% theo quy định hiện hành, thu hồi chi phí tối đa 80% so với mức 70% theo quy định hiện hành. “Việc ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội tăng thu cho ngân sách nhà nước do mở rộng đối tượng ký mới hợp đồng và khai thác. Mặt khác, quy định cụ thể mức thuế tại luật Dầu khí là rất cần thiết để bảo đảm áp dụng được ngay khi luật Thuế chưa được sửa đổi kịp thời”, ông Diên giải trình.

Về quy định chính sách khai thác tận thu, ông Diên cho hay, đề xuất của Chính phủ sẽ tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi khai thác tận thu tài nguyên dầu khí, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước thay vì phải kết thúc sớm dự án khai thác tận thu dầu khí, dẫn đến lãng phí tài nguyên của quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.