Kết nối Bình Phước với Đồng Nai qua đường vành đai 4, không qua cầu Mã Đà

Lê Lâm
Lê Lâm
07/07/2022 21:44 GMT+7

Đó là ý kiến đề xuất của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ về phương án làm đường kết nối Bình Phước với Đồng Nai.

Ngày 7.7, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về phương án làm đường kết nối Bình Phước với Đồng Nai.

Khách du lịch đạp xe qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai

LÊ LÂM

Theo Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu, đánh giá, xem xét phương án kết nối Bình Phước với Đồng Nai. Qua đó, Bộ GTVT nhận thấy phương án kết nối trực tiếp với cầu Mã Đà qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai là khó khả thi. Nếu đầu tư xây dựng phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, ngoài ra còn phải có sự đồng thuận của các chuyên gia về môi trường, đa dạng sinh học, các nhà khoa học và người dân. Mặt khác, nếu làm đường đi qua cầu Mã Đà thì khả năng bị UNESCO rút danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới là rất cao.

Từ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, trình tự thủ tục để triển khai dự án theo phương án trên, Bộ GTVT đã nghiên cứu bổ sung phương án kết nối Bình Phước với đường vành đai 4 - TP.HCM không qua cầu Mã Đà và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Đường vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai

LÊ LÂM

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan cho thấy, phương án này có tính khả thi cao. Cụ thể, ít tác động khu dự trữ sinh quyển, đến đa dạng sinh học, không vi phạm các quy định về luật và Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết.

Từ những lý do trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị phương án kết nối Bình Phước với đường vành đai 4 - TP.HCM (không qua cầu Mã Đà).

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - TP.HCM; giao Bộ GTVT cập nhật tuyến kết nối Bình Phước với Đồng Nai để triển khai quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.