Kết nối nguồn lực công - tư để hệ thống y tế cộng đồng vững mạnh

03/05/2022 13:27 GMT+7

Hai năm sau đại dịch Covid-19 , hệ thống y tế cộng đồng tại Việt Nam đã chứng minh vai trò quan trọng trong cung cấp biện pháp dịch tễ, chăm sóc, tiêm ngừa cho người dân...

Thế nhưng, khó khăn về công nghệ, nhân lực, tài chính khiến vai trò của hệ thống y tế cộng đồng chưa phát huy hết năng lực, công lực… rất uổng phí.

Phải nâng cao chất lượng y tế cộng đồng

Ngày 3.5, ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh chia sẻ nội dung trên và thông tin thêm, Viện đã nghiên cứu nhiều mô hình y tế cộng đồng của thế giới, cả những điểm mạnh và hạn chế và đã làm việc với một số nhà làm y tế tư nhân đến từ Nhật Bản. Mục đích xây dựng “tấm khiên” cho y tế cộng đồng ngày một mạnh mẽ, vững chãi hơn với sự tham gia của các hệ thống y tế tư nhân. Ông nói: “Các trạm y tế cộng đồng ở Việt Nam cần phải nâng cao năng lực y sĩ, bác sĩ trực trạm. Để có thể làm được điều đó, đào tạo chuyên môn là điều tiên quyết. Bên cạnh đó, trạm y tế cũng cần có giải pháp công nghệ, như cơ sở dữ liệu bệnh nhân, chuyển đổi số trong tiếp nhận bệnh, hệ thống bệnh án điện tử”.

Lực lượng y tế cộng đồng tham gia chống dịch Covid-19

CTV

Dẫn chứng từ các hệ thống y tế cộng đồng các nước thành công, ông Lê Thành cho biết, Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới. Hệ thống y tế của quốc gia ở xứ sở mặt trời này có đến 90% là tư nhân, chỉ có 10% là nhà nước. Việc tư nhân hoá mạnh mẽ này giúp Nhật Bản nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn dân. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy một rủi ro lớn. Bệnh viện tư có quyền từ chối bệnh nhân Covid-19 đã khiến cho 10% bệnh viện công tại Nhật Bản phải chịu áp lực rất lớn.

Ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh

Từ đó, ông nhấn mạnh: “Việt Nam may mắn có hệ thống trạm y tế công cộng phủ sóng rộng khắp là thế mạnh rất lớn cần phát huy. Song vấn đề chuyên môn, kỹ thuật… cần phải được nâng cấp để phát triển đồng đều hơn, chuyên nghiệp hơn và quan trọng để người dân sống bất kỳ đâu cũng có thể tìm đến các đơn vị chăm sóc y tế gần nhất nơi mình sinh sống mà không phải lặn lội vượt tuyến xa xôi mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và cơ hội để được chăm sóc sức khỏe sớm”.

Thực tế, trong giai đoạn “nóng” nhất của đại dịch, trạm y tế công cộng ở từ đô thị lớn đến vùng núi xa xôi trở thành nơi duy nhất để người dân tiếp cận các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Từ đại dịch Covid-19 cho thấy, hệ thống y tế cộng đồng, nhất là các trạm y tế phường xã là mắt xích then chốt để Việt Nam phòng tránh những đại dịch trong tương lai, là tấm khiên bảo vệ cho sức khỏe người dân Việt Nam. Để “tấm khiên” đó mạnh và bền vững hơn, chuyên môn cho nhân viên các trạm y tế cần được gia cố, quản lý theo hệ thống số hóa, chuyên nghiệp, nhằm giúp cả hệ thống trạm có thể phản ứng nhanh kịp thời hơn. Từ giữa năm 2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển y tế cộng đồng giai đoạn 2021 -2030, trong đó nhấn mạnh “nỗ lực có tổ chức và những lựa chọn có hiểu biết của xã hội, của các tổ chức, cộng đồng công cộng, tư nhân và của từng cá nhân”. Trước đó, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15.5.2021, Bộ Y tế cũng đề xuất “tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các trạm y tế xã, bệnh viện lao, phong, tâm thần; sửa đổi quy định về ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã”…

Viện Kinh tế Xanh sẽ kết nối, chủ trì…

Từ thực tế trên, ông Lê Thành, đại diện cho Viện Kinh tế Xanh cho rằng, Viện sẽ chủ trì xin được sự chấp thuận từ phía Bộ Y tế, để cùng chung tay nâng cao năng lực trạm y tế, giúp “chia lửa” khám chữa bệnh cho các bệnh viện đang quá tải. Đặc biệt, cung cấp giải pháp công nghệ cho trạm, trước mắt là từ 24 quận huyện của TP.HCM, giúp giảm áp lực y tế cộng đồng trên vai Bộ Y tế, tận dụng tiềm lực từ doanh nghiệp để người dân có giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Viện Kinh Tế Xanh cho biết, đã làm việc với Công ty Medi Hub (Nhật Bản) - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn hệ thống chăm sóc sức khỏe – để có thể hỗ trợ cung cấp giải pháp công nghệ cho quá trình chuyển đổi này.

Ông Hidetoyo Teranishi – Tổng giám đốc Công ty Medi Hub (Nhật Bản)

Ông Hidetoyo Teranishi – Tổng giám đốc Công ty Medi Hub (Nhật Bản) nói: “Nếu nhân viên y tế và trạm nhỏ có hệ thống chuẩn hóa phác đồ điều trị online bằng phần mềm, thì chính cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bệnh án điện tử sẽ giúp nhân viên có thể sàng lọc ngay các ca bệnh khẩn cấp hay bệnh nhẹ, hoặc kết nối tức thời tới hàng ngàn bác sĩ. Đó là sự hỗ trợ đắc lực nhất để những trạm y tế có ít nhân viên vẫn có thể vận hành hiệu quả dù ở xa các bệnh viện trung ương, tuyến đầu”. Medi Hub đã phát triển tại châu Á với hơn 500 đối tác là các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khoẻ, nhà an dưỡng cao cấp... Ông Hidetoyo Teranishi nói: “Medi Hub sẵn sàng kết nối các nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực chuyên môn từ hàng trăm ngàn bác sỹ giàu kinh nghiệm tại Nhật Bản cùng với đối tác Việt Nam xây dựng mô hình này”.

Bà Trương Huệ Vân - Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - tham gia chống dịch Covid 19 cùng TP.HCM

CTV

Đồng quan điểm, bà Trương Huệ Vân - Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - chia sẻ thêm: “Trong đại dịch, chúng tôi đồng hành với Chính phủ nhiều chương trình nhằm phòng chống dịch hiệu quả. Sức khoẻ cộng đồng gắn liền với sức khoẻ của đất nước, đặc biệt khi chúng ta đã được chứng kiến các bất cập khi hệ thống y tế truyền thống bị quá tải. Tôi rất tin tưởng vào cơ chế chính sách hợp tác công tư, tối ưu hoá nguồn lực của nhà nước và tư nhân để cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội. Đặc biệt là các chiến lược hành động trang bị hạ tầng xã hội để ứng biến tốt trước các trường hợp khẩn cấp như trận chiến với đại dịch Covid 19 vừa qua. Tôi trân trọng sáng kiến nâng cao năng lực và nguồn lực cho các trạm y tế của Viện Kinh tế Xanh và sẵn sàng đồng hành nếu dự án này được ủng hộ triển khai”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.