Kết thúc cuộc chiến pháp lý của người sáng lập WikiLeaks

27/06/2024 05:04 GMT+7

Hôm qua (26.6), người sáng lập WikiLeaks Julian Assange chính thức tự do sau nhiều năm bị truy nã vì tiết lộ tài liệu mật của chính phủ Mỹ.

Ông Assange (53 tuổi) cùng ngày đã quay về Úc sau khi chấp nhận thỏa thuận nhận tội với chính phủ Mỹ trong phiên tòa diễn ra tại đảo Saipan thuộc vùng lãnh thổ Quần đảo Bắc Mariana (Mỹ), theo CNN. Đó cũng là dấu chấm hết cho hành trình đấu tranh 14 năm của ông Assange từ khi tiến hành vụ rò rỉ thông tin chấn động toàn cầu nhưng cũng đầy tranh cãi.

Kết thúc cuộc chiến pháp lý của người sáng lập WikiLeaks- Ảnh 1.

Ông Assange rời khỏi tòa án tại Saipan ngày 26.6

Reuters

Câu chuyện khởi đầu vào năm 2010, khi trang web WikiLeaks do ông Assange sáng lập với sứ mệnh bóc trần hành vi vô đạo đức của các chính phủ và doanh nghiệp, công bố gần nửa triệu tài liệu mật và video liên quan cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Các tài liệu do quân nhân phụ trách tình báo Bradley Manning của Mỹ cung cấp, trong đó có một số video về việc trực thăng Mỹ bắn vào dân thường tại Iraq. Ông Manning, sau đó đổi tên thành Chelsea và công khai chuyển giới, bị kết án 35 năm tù nhưng được tự do vào năm 2017 nhờ được Tổng thống Barack Obama giảm án.

Cũng trong năm 2010, ông Assange bị Thụy Điển truy nã trên toàn châu Âu liên quan cáo buộc xâm hại tình dục phụ nữ, điều ông đã phủ nhận và cho là bước đầu tiên để dẫn độ ông sang Mỹ phục vụ điều tra. Ông bị bắt tại Anh, nhưng được cho tại ngoại trong quá trình kháng nghị lệnh dẫn độ. Năm 2012, để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, ông Assange xin tị nạn chính trị trong Đại sứ quán Ecuador tại London và ở đó cho đến năm 2019, khi Ecuador rút quyền tị nạn và cho cảnh sát Anh vào trong để bắt giữ. Ông Assange bị tuyên án 50 tuần ngồi tù vì vi phạm quy định tại ngoại năm 2012. Cũng trong năm 2019, Bộ Tư pháp Mỹ công bố đã truy tố ông Assange vi phạm Đạo luật Gián điệp khi âm mưu cùng ông Manning để xâm nhập mạng máy tính Lầu Năm Góc, đồng thời đề nghị Anh dẫn độ người sáng lập WikiLeaks sang Mỹ. Trong thời gian kháng nghị lệnh dẫn độ, ông Assange tiếp tục bị giam trong nhà tù an ninh cẩn mật ở London.

Ngày 24.6, ông Assange bất ngờ được thả và được máy bay đưa đến Saipan theo thỏa thuận với chính phủ Mỹ. Theo đó, ông Assange bị tuyên án 5 năm 2 tháng tù với một tội danh duy nhất là âm mưu thu thập và phổ biến trái phép thông tin quốc phòng mật của Mỹ. Công dân Úc này sẽ bị cấm quay lại Mỹ nếu chưa được cho phép. Thẩm phán tuyên bố ông Assange được tự do và không phải thụ án thêm vì đã ngồi tù với khoảng thời gian tương đương từ năm 2019.

Thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh Úc đang trở thành đồng minh ngày càng quan trọng của Mỹ tại Thái Bình Dương. Từ khi đắc cử năm 2022, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã coi việc đòi tự do cho ông Assange là ưu tiên và được cho là đã nhiều lần nêu vấn đề với phía Mỹ, theo Reuters. "Đó không phải là điều xảy ra trong 24 giờ qua mà đã được kiên nhẫn xem xét và thực hiện một cách kỹ lưỡng", ông Albanese nói tại cuộc họp báo hôm qua. Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định không can dự và cho rằng thỏa thuận là quyết định độc lập của Bộ Tư pháp.

Thỏa thuận giúp ông Assange tránh bản án đến 175 năm tù theo các cáo buộc ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.