Sáng 15.11, buổi báo cáo dự án lịch sử Be ASEAN Citizens (Là công dân ASEAN) với sự phối hợp tổ chức của 11 trường THPT thuộc Q.1, Q.3 (TP.HCM) đã diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3). Tổng sản phẩm tham gia dự án là 12 brochure, 27 infographic, 23 video và 5 banner về lịch sử, văn hóa của 11 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam |
Ngọc Long |
Chia sẻ lý do chọn chủ đề ASEAN, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay đây là một nội dung trong sách lịch sử lớp 12 hiện hành. Theo thầy Du, sau khoảng thời gian dài gián đoạn vì dịch Covid-19, việc tiếp cận bài học trong sách bằng cách tham gia dự án đã giúp các em có thể tự học lịch sử cũng như phô diễn các kỹ năng, đơn cử như ngoại ngữ. Để từ đó, học sinh thấy được con đường hội nhập của mình đang ở đâu, cần bù đắp những điểm thiếu hụt nào để tiến lên |
ngọc long |
Hoạt động trưng bày tổng hợp sản phẩm truyền thông từ học sinh các trường là một trong những điểm nhấn của dự án. Đoàn Hương Giang (lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) bật mí em cùng bạn bè đã mất 2 tháng chuẩn bị các khâu và 1 tuần thực tế để dựng gian hàng. Qua đó, cả nhóm đã phát triển cả kỹ năng mềm như làm việc nhóm, sáng tạo và kỹ năng cứng như thiết kế, quay phim, làm nội dung... "Chúng em được tự mình vẫy vùng để làm nên những sản phẩm truyền thông và tiết mục văn nghệ chất lượng. Đặc biệt ở gian hàng, chúng em tạo nên kiến trúc nhà với mái đình Thái Lan ở trên, ở dưới là khung có móc dây treo tên chữ để gây ấn tượng", Giang chia sẻ |
ngọc long |
Mở đầu buổi báo cáo là hoạt động diễu hành mà ở đó, học sinh mỗi trường sẽ được khoác lên mình trang phục truyền thống của các nước cũng như thuyết trình ngắn gọn về lịch sử, văn hóa, thậm chí dùng ngôn ngữ của nước đó để giới thiệu. Nối tiếp là phần trình chiếu video bằng tiếng Anh do các em tự thực hiện, trong đó miêu tả chân dung của người trẻ trong thời đại hội nhập quốc tế |
ngọc long |
Hoạt động được mong chờ nhất chính là phần văn nghệ được thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau từ múa truyền thống, đấu võ, sân khấu hóa đến cả biểu diễn thời trang. "Tôi rất bất ngờ lẫn xúc động khi chứng kiến những tiết mục, sản phẩm của các em vì mức độ chỉn chu và bài bản vượt xa những gì giáo viên mong đợi. Nó cho thấy sự chủ động và bản lĩnh, đúng như những gì người ta đánh giá về Gen Z", thạc sĩ Đăng Du khẳng định. |
ngọc long |
Để chuẩn bị tốt cho tiết mục cả về tính chính xác và hình thức biểu diễn, nhiều học sinh thú nhận đã dành hàng tháng trời để chuẩn bị |
ngọc long |
Màn đấu võ silat seni gayong, một biến thể của pencak silat, của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1). Là người biên đạo, Trương Lập Kiệt (lớp 11A10) cho hay tiết mục có 3 phần là múa quyền theo nhịp điệu, đánh đối kháng hội đồng và đối kháng từng người để người xem hiểu thêm về văn hóa võ thuật Brunei. "Do các bạn không ai tập võ trừ em nên chúng em gặp nhiều trục trặc như chưa am hiểu cách thực hiện các thế võ như đánh hoặc rút tay về, hay đưa bài võ vào nhịp điệu bài hát sao cho phù hợp. Chúng em phải mất 1 tháng tập luyện mới xong", nam sinh nói, cho hay các em tự chủ động tìm hiểu là chính, thầy cô chỉ đưa ra lời khuyên và hỗ trợ về mặt tổ chức như sắp xếp chỗ tập |
ngọc long |
Cô Nguyễn Thị Hồng Ân, Tổ trưởng chuyên môn tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3), nhìn nhận buổi báo cáo "tưng bừng như một ngày hội", đã tạo cơ hội để học sinh hứng thú hơn với môn sử, vốn bị định kiến là khô khan. "Ngay sau khai giảng, chúng tôi đã lên chương trình tổ chức cho cả khối 12 tham gia, trong đó mỗi giáo viên sẽ phụ trách 1 mảng riêng để hướng dẫn các em. Thay vì chỉ học những nội dung ngắn gọn trong sách vở, học sinh được tìm hiểu thực tế về văn hóa, đất nước, con người để tạo 'bàn đạp' hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa", nữ tổ trưởng khẳng định. |
ngọc long |
Tự thiết kế trang phục tái chế để trình diễn thời trang truyền thống của Philippines là điểm độc đáo trong tiết mục của học sinh Trường THPT Trưng Vương (Q.1). Bao gạo cũ, bao nilon, mảnh vải dư, giấy báo, giấy carton... là các nguyên liệu được học sinh tận dụng để làm nên một "hình hài mới" cho những sản phẩm đã qua sử dụng. Qua mỗi trang phục, các em không chỉ muốn truyền tải một ý nghĩa riêng, mà còn muốn gửi đi thông điệp lớn nhất về bảo vệ môi trường. "Điều chúng em muốn gửi gắm là giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa, ngăn chặn ô nhiễm trắng để giữ cho Trái Đất mãi một màu xanh", em đại diện chia sẻ |
Ngọc long |
Cũng tự thiết kế trang phục truyền thống, học sinh Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1) gây ấn tượng với người xem bằng những sản phẩm chỉn chu. Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Tổ trưởng chuyên môn tổ lịch sử, cho hay vì thuê trang phục Myanmar khó và đắt nên cô trò đã đưa ra sáng kiến mua vải để tự may. Trong lúc thực hiện, theo cô Hương, học sinh được trải nghiệm quá trình làm nên bộ quần áo truyền thống và cả cách ăn mặc, "hoàn toàn khác với việc thuê đồ rồi khoác lên". "Đặc biệt là giáo viên chúng tôi chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ dẫn. Sau khi cho các em chủ đề, học sinh sẽ tự chủ động lập nhóm và lựa chọn hình thức truyền tải theo sở thích, đam mê", nữ tổ trưởng chia sẻ, cho biết đây là cách làm việc qua dự án học tập, trong đó lồng ghép nhiều phương pháp và kỹ năng khác nhau để giảng dạy |
ngọc long |
Bình luận (0)