Khắc phục các đứt gãy để phục hồi kinh tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/10/2021 04:59 GMT+7

Chiều 13.10, Hội đồng Lý luận T.Ư tổ chức hội thảo “ Phục hồi kinh tế , thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.

Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ thiết thực

Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển. Trong đó, mấu chốt là đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hóa và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng... Nhấn

mạnh năng lực thực thi và phối hợp ở các địa phương, ông Thắng cho rằng, việc khắc phục, giảm thiểu các đứt gãy cần được bắt đầu từ hệ thống giao thông, do đây là huyết mạch của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh việc thực thi các quy định kiểm soát không nhất quán thậm chí có phần “cứng nhắc” của một địa phương đã tạo ra điểm nghẽn trên các huyết mạch giao thông của đất nước trong thời gian qua. “Điều này cần được thay đổi sớm thông qua việc đưa ra các quy định về an toàn y tế trong sản xuất, giao thông phù hợp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu

Nhật bắc

Covid-19 sáng 14.10: 849.691 ca nhiễm, 787.286 ca khỏi | Nhồi nhét người đi tiêm vắc xin

Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin, bộ này đang soạn thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 với trọng tâm là “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”. Ông Dũng nhấn mạnh “chương trình tiếp cận cả về phía cung, phía cầu và các khâu kết nối; bao gồm các giải pháp về y tế, kinh tế, xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động sớm vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch”.

Từ kinh nghiệm vượt qua đợt dịch vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chia sẻ: “Covid-19 không phân biệt tỉnh nào nên công tác phòng chống dịch đòi hỏi phải triển khai như một cơ thể thống nhất, không thể một địa phương riêng biệt làm được. Đề nghị Chính phủ quan tâm giám sát để đảm bảo việc tuân thủ và tính thống nhất trong thực tiễn giữa các địa phương”. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị sớm có kịch bản tổng thể phục hồi kinh tế thống nhất trong cả nước. Đặc biệt, xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, tăng quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quốc gia cao hơn. Hiện nay tổng các gói hỗ trợ chỉ đạt 1,86% GDP, thấp hơn các nước trong khu vực. “Doanh nghiệp không cần nhiều chính sách, chính sách ít nhưng phải thiết thực, dễ tiếp cận. Doanh nghiệp cũng mong muốn ưu tiên tiêm vắc xin cho các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nói.

Siết kỷ cương, không thể mỗi nơi làm một kiểu

Chia sẻ tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: không có người nào, địa phương nào, quốc gia nào an toàn nếu người khác, địa phương khác, quốc gia khác vẫn đang chống dịch; do đó, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19. Đây là cách tiếp cận quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế khi thời gian qua nền kinh tế các địa phương và cả nước bị tổn thương do kiểm soát dịch bệnh chưa tốt.

Thủ tướng khẳng định, “công thức” chính để “thích ứng an toàn” trong thời gian tới vẫn là thực hiện 5K, vắc xin, công nghệ, vai trò của người dân trong chống dịch và các biện pháp khác có thể áp dụng. Cần phải thay đổi quan điểm từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19”; từ quản lý “không Covid-19” sang quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong mà giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở. “Vừa qua, một số địa phương như TP.HCM có tỷ lệ tử vong cao là do người bệnh tiếp cận với các biện pháp y tế chậm. Y tế cơ sở không được phát huy”, Thủ tướng nhấn mạnh, và cho biết bài học từ thực tiễn chống dịch vừa qua là làm sao để người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với các biện pháp y tế từ cơ sở.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để thực hiện lãnh đạo tập trung, thống nhất trong cả nước; tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp tình hình, phân cấp, phân quyền đi đôi với nguồn lực và công tác cán bộ, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu như thời gian vừa qua. Đối với vấn đề phục hồi doanh nghiệp, dư địa cho các chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn còn nên Chính phủ sẽ nghiên cứu để điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB-XH nhiệm vụ khôi phục lại thị trường lao động cùng với các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. “Chính phủ cùng địa phương và doanh nghiệp bàn để tìm biện pháp, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.