Khắc phục được điều này, nhân loại có thêm 2 năm tuổi thọ

La Vi
La Vi
18/06/2022 15:08 GMT+7

Một báo cáo được công bố hôm 14.6 cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm 2 năm tuổi thọ trung bình của mỗi người, một tác động tương đương với việc hút thuốc lá và tồi tệ hơn nhiều so với HIV/AIDS hoặc khủng bố.

Ô nhiễm không khí có thể làm giảm 2 năm tuổi thọ trung bình của mỗi người. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới của Đại học Chicago được công bố hôm 14.6. Điều này chứng tỏ ô nhiễm không khí có tác động tương đương với việc hút thuốc lá và nghiêm trọng hơn nhiều so với HIV/AIDS hoặc khủng bố.

Hiện nay, hơn 97% dân số thế giới sống chung với ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến nghị.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để đo lường nồng độ bụi mịn PM2.5 (loại bụi li ti trôi nổi trong không khí gây hại cho phổi).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị rằng nếu mức PM2.5 toàn cầu giảm xuống còn 5 microgam/m3 thì tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 2,2 năm.

Cũng theo nghiên cứu, tuổi đời của người sống ở Nam Á sẽ bị rút ngắn khoảng 5 năm do khói bụi, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 44% mức gia tăng ô nhiễm không khí trên thế giới từ năm 2013.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người dân Trung Quốc có thể sống thêm trung bình 2,6 năm nếu đạt được tiêu chuẩn WHO đưa ra. Từ năm 2013, tuổi đời trung bình của người dân nước này đã tăng thêm khoảng 2 năm kể từ khi chính phủ phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm" nhằm cắt giảm khoảng 40% lượng bụi PM2,5.

Ô nhiễm không khí ở New Delhi, Ấn Độ

reuters

Theo một cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm được công bố vào đầu năm nay, không một quốc gia nào đạt được tiêu chuẩn 5 microgram của WHO vào năm 2021.

Các chuyên gia cảnh báo rằng ô nhiễm không khí đã bị bỏ quên khi xét đến các vấn đề sức khỏe cộng đồng và nguồn kinh phí để giải quyết vẫn còn thiếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.