Khách hàng tố chủ đầu tư Apec Mũi Né 'chiếm đoạt quyền sử dụng thang máy'

Quế Hà
Quế Hà
23/10/2024 19:43 GMT+7

Đại diện nhiều chủ sở hữu căn hộ nghỉ dưỡng của dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né đã gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Thuận, tố cáo chủ đầu tư 'chiếm đoạt quyền sử dụng thang máy' với số tiền lớn mỗi ngày.

Ngày 23.10, đại diện nhiều chủ sở hữu căn hộ nghỉ dưỡng trong dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (gọi tắt Apec Mũi Né) đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận tố cáo Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam (Công ty IDJ, chủ đầu tư dự án Apec Mũi Né tọa lạc tại P.Mũi Né, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu, cưỡng đoạt tài sản chung nhằm thu lợi bất chính...

Dấu hiệu vi phạm các quy định của bộ luật Hình sự

Trong đơn, luật sư Lê Thị Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP.HCM; đại diện nhiều chủ sở hữu) cho biết, sau cuộc đối thoại bất thành giữa chủ đầu tư và khoảng 200 chủ sở hữu (ngày 16.10), Công ty IDJ không chấp nhận các yêu cầu về quyền lợi sử dụng thang máy của khách hàng; vẫn bắt buộc phải nộp tiền mới được cho đi thang máy, nên chủ sở hữu đã ký đơn tập thể gửi cơ quan điều tra để tố cáo hành vi chiếm đoạt này.

Khách hàng tố chủ đầu tư Apec Mũi Né 'chiếm đoạt quyền sử dụng thang máy'- Ảnh 1.

Dự án Apec Mũi Né có 4 tòa nhà, mỗi tòa nhà cao 27 tầng có 728 căn hộ

ẢNH: QUẾ HÀ

Theo luật sư Lê Thị Ngọc Anh, khoản 2, điều 142 của luật Nhà ở năm 2023 quy định "hành lang, thang bộ, thang máy" thuộc sở hữu chung của tòa nhà. Điều này có thể hiểu tất cả các chủ sở hữu đã chuyển nhượng căn hộ thì có quyền sử dụng chung thang bộ, thang máy và hành lang tòa nhà.

Ngoài ra, tại điều 11, Quy chế ban hành kèm Thông tư 05 năm 2024 của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, thang máy ở chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp trong đó có căn hộ dùng để ở, dùng làm cơ sở lưu trú du lịch. Do đó, dự án Apec Mũi Né thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định trên.

"Việc chủ đầu tư tự ý khóa thang máy, chặn lối đi lên căn hộ; chỉ mở thang máy khi chủ sở hữu đóng thêm phí từ 250.000 - 300.000 đồng/căn hộ cho mỗi ngày lưu trú trên chính căn hộ của mình đã mua là hành vi cưỡng đoạt tài sản chung để thu lợi bất hợp pháp hàng trăm triệu đồng mỗi ngày", luật sư Lê Thị Ngọc Anh nêu trong đơn tố cáo.

"Hành vi của chủ đầu tư dự án Apec Mũi Né có dấu hiệu vi phạm các quy định tại điều 170 bộ luật Hình sự, nên chúng tôi đã đồng ký tên gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, để điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", bà Ngọc Anh nêu.

Khách hàng tố chủ đầu tư Apec Mũi Né 'chiếm đoạt quyền sử dụng thang máy'- Ảnh 2.

Người mua căn hộ nêu 3 yêu cầu cấp bách trong cuộc đối thoại ngày 16.10 nhưng không được chủ đầu tư chấp nhận

ẢNH: NGỌC ANH

Dự án từng được cảnh báo

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong giấy phép xây dựng (số 19) do Sở Xây dựng Bình Thuận cấp ngày 2.3.2020, thể hiện dự án Apec Mũi Né có 4 tòa nhà, mỗi tòa cao 98,3 m (27 tầng) và có 728 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng; tổng diện tích xây dựng hơn 39.000 m2, chưa tính khối nhà dịch vụ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở TN-MT Bình Thuận cấp diện tích 40.751 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.

Ngày 14.3.2023, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận có Công văn 962 cảnh báo một số dự án kinh doanh bất động sản chưa hội đủ điều kiện kinh doanh, nhưng đã rao bán. Trong số 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng bị Sở Xây dựng "điểm mặt" chưa đủ điều kiện kinh doanh, có dự án Apec Mũi Né của Công ty IDJ.

Khách hàng tố chủ đầu tư Apec Mũi Né 'chiếm đoạt quyền sử dụng thang máy'- Ảnh 3.

Các chủ sở hữu căn hộ ở tòa nhà Apec Mũi Né đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra

ẢNH: NGỌC ANH

Cụ thể, Sở Xây dựng Bình Thuận nêu: "Không được thực hiện ký kết hợp đồng môi giới để giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ; đăng tải trên mạng internet và các mạng xã hội khi chưa đủ điều kiện giao dịch...".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án Apec Mũi Né đã được chủ đầu tư chuyển nhượng gần hết căn hộ (gần 3.000 căn) dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn hộ khách sạn.

Chiều 23.10, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho rằng, dự án Apec Mũi Né không chịu điều chỉnh bởi luật Nhà ở, vì đó là dự án du lịch nghỉ dưỡng. Nên theo luật Nhà ở, dự án này không cần phải chờ Sở Xây dựng ra các văn bản đồng ý cho phép về điều kiện kinh doanh như đối với các dự án về nhà ở khác.

Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, ngày 16.10, chủ đầu tư dự án Apec Mũi Né tổ chức đối thoại với khoảng 200 người gồm đại diện khách hàng, cư dân đang sống ở các căn hộ tại tòa nhà Apec Mũi Né để giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trước đó. Đại diện khách hàng, cư dân đưa ra 3 yêu cầu khẩn cấp, gồm: không được cấm (hoặc buộc phải đăng ký) sử dụng thang máy; bỏ "lệnh cấm" chỉ được sử dụng 10 ngày/tháng đối với nhà đầu tư và bỏ phí thang máy từ 247.000 đồng/ngày (đối với người đang sinh sống tại đây) đến 360.000 đồng/ngày (đối với người thuê lại căn hộ) và không được ban hành "văn bản quy định hôm trước là hôm sau áp dụng liền"... Tuy nhiên, sau buổi đối thoại, chủ đầu tư chỉ đồng ý "sửa" điều khoản "khi ban hành văn bản 15 ngày sau mới áp dụng". Còn vấn đề sử dụng thang máy (muốn sử dụng phải đóng tiền hằng ngày), đại diện chủ đầu tư không chấp thuận.

Liên quan đến tranh chấp nêu trên, ngày 30.9, UBND P.Mũi Né có báo cáo gửi UBND TP.Phan Thiết nêu việc một số chủ sở hữu căn hộ tại dự án Apec Mũi Né, do bức xúc nên đã in 142 băng rôn, biểu ngữ chuẩn bị phản đối chủ đầu tư do không được đi thang máy. Công an địa phương đã ngăn chặn kịp thời.

Trả lời PV Thanh Niên về việc này, thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng công an TP.Phan Thiết cho biết đã nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở đây và có báo cáo lên cấp trên; đồng thời chỉ đạo Công an P.Mũi Né theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. "Còn việc bất đồng về lối đi thang máy giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ là quan hệ dân sự. Công an chỉ đảm bảo vấn đề an ninh, không để xảy ra vấn đề bất ổn về an ninh trật tự, chứ không can thiệp hoạt động dân sự", thượng tá Khánh cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.