RỦI RO KÉP
Dọc đường biển Võ Nguyễn Giáp và nhiều tuyến khu phố Tây An Thượng, một số khách sạn nghỉ từ dịch Covid-19 đến nay. Theo Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, tính đến tháng 2, có 950 cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại (chiếm gần 74% tổng số cơ sở lưu trú) và có 300 công ty lữ hành, 16 khu điểm du lịch lớn phục vụ du khách kể từ hậu Covid-19.
Bên cạnh chuỗi khách sạn hoạt động sôi động, thì nhiều khách sạn vẫn im ắng kéo dài. Theo nhiều doanh nghiệp, nguyên do các chủ đầu tư khách sạn không đủ kinh phí để tái đầu tư cho việc khách sạn mở cửa trở lại. Tổng giám đốc một resort 5 năm khu vực biển Đà Nẵng chia sẻ, việc cầm cự qua dịch và tái hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào nội lực doanh nghiệp. Resort do ông điều hành có nguồn dự trữ rủi ro nên tái đầu tư ngay khi hết dịch Covid-19, nhưng chủ đầu tư một số cơ sở lưu trú tính toán bài toán kinh tế, chi phí duy trì vận hành khách sạn hằng tháng quá lớn (trong khi nguồn thu từ khách quốc tế chưa nhiều, khách nội địa bị cạnh tranh quyết liệt) nên tiếp tục đóng cửa khách sạn.
Ông Trịnh Bằng Có, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.Đà Nẵng, còn cho hay một số khách sạn vẫn đóng cửa là do sợ càng mở cửa càng… lỗ. Để doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tái đầu tư, ông Trịnh Bằng Có đề xuất chính sách giãn nợ, hạ lãi suất vay, để doanh nghiệp không phải vay ngoài cho đáo hạn ngân hàng. "Bây giờ, nhiều khách sạn đóng cửa, bảo vệ lẫn lễ tân và giám đốc đều luân phiên trực trông giữ tài sản, nên cần giãn nợ để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Như vậy, ngân hàng vẫn không mất tiền, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ mà không phải chạy đôn chạy đáo vay lãi cao bên ngoài để đáo hạn", ông Trịnh Bằng Có nói.
Theo thống kê, trên thị trường bất động sản Đà Nẵng có khoảng 150 khách sạn từ 1-5 sao đang rao bán. Trong đó, đường Võ Nguyên Giáp mặt tiền biển Đà Nẵng có 12 khách sạn (từ 2 -5 sao) đang rao giá từ 35 tỉ đồng đến 1.100 tỉ đồng, đường Bạch Đằng có 5 khách sạn (từ 2 -5 sao) đang rao bán từ 55 tỉ đến 165 tỉ đồng… Hồi cuối năm 2022, một khách sạn 20 tầng mặt tiền biển rao bán 500 tỉ đồng, nhưng phải hạ giá gần 100 tỉ đồng mới có người mua. Do đó, ông Trịnh Bằng Có đề xuất ngân hàng cần cứu doanh nghiệp. Vì nếu phá sản, tài sản giao cho ngân hàng nhưng trong bối cảnh này cũng không phát mãi được, chắc chắn ngân hàng thiệt nhiều hơn doanh nghiệp.
Khách sạn hạng sang rao bán hàng loạt, người dân xót xa "mong du lịch hồi phục"
CHẤN CHỈNH NẠN ÉP MUA BẢO HIỂM
Tính đến hết năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cam kết cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt hơn 2.108 tỉ đồng cho 562 doanh nghiệp, giảm lãi suất cho 15 doanh nghiệp với tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 147 tỉ đồng... Tuy nhiên, hiện có nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng, cho rằng để tháo gỡ vấn đề này, các ngân hàng thương mại cần cung cấp thông tin cho vay rõ ràng, đơn giản để người đi vay nắm rõ. "Có doanh nghiệp vừa rồi vay 2 ngân hàng cùng thời hạn 6 tháng. Một ngân hàng ổn định lãi suất suốt kỳ, chỉ thay đổi nếu vay mới, trong khi ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất 2 tháng/lần, trong hợp đồng có nêu nhưng tư vấn bỏ qua, người vay không để ý dẫn đến xung đột", ông Hiếu nói.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng, cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh (điện thoại, email), kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các chi nhánh có trách nhiệm xử lý, trả lời rõ ràng với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể. Thời gian tới, các tổ chức tín dụng tập trung đáp ứng nguồn vốn vay, ưu tiên lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh sau dịch (trong đó có du lịch); kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
Đối với việc một số ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ kèm gói vay, ông Võ Minh cho rằng bảo hiểm nhân thọ phù hợp với những khách hàng có điều kiện, còn khách hàng đang cần vay để trả lương nhân viên mà vẫn bị "ép" mua thì không hợp lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng đang yêu cầu các ngân hàng báo cáo số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, từ đó tổng hợp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước VN để chấn chỉnh.
Xem nhanh 20h ngày 9.4: Phụ huynh ‘vây’ Shark Thủy đòi trả học phí | Vì đâu hiệu trưởng đánh hiệu phó?
Bình luận (0)