Khách sang chơi tết sớm, cây cảnh 'nhà giàu' đắt hàng

02/01/2023 09:11 GMT+7

Trái ngược với không khí ảm đạm, sức mua giảm ở nhiều làng hoa, cây cảnh tại Hà Nội , thị trường cây cảnh cao cấp với nhiều tác phẩm độc đáo, lạ mắt, giá bán cao vẫn khá hút khách, đắt hàng trước thềm tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khách “ngân hàng, biệt thự” mua cây chơi sớm

Theo thông tin trong giới trồng quất cảnh nghệ thuật ở P.Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cuối tháng 12.2022, nhà vườn T.N đã hoàn tất vận chuyển 2 cây quất với giá 120 triệu đồng giao cho khách hàng trong khu biệt thự ở Vinhomes Riverside Long Biên (Q.Long Biên, Hà Nội).

Một cây ngũ quả của ông Lê Đức Giáp được khách chuyển khoản thanh toán, chỉ chờ ngày đẹp để giao cây

Phan Hậu

Đây chưa phải là cây quất đắt nhất ở Tứ Liên được bán thành công trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng được giới làm nghề xuýt xoa bởi độ hoành tráng, ấn tượng của tác phẩm. Cặp quất được thiết kế giống hệt nhau, mỗi cây được trồng trong ang lớn, to như chiếc sập và phải dùng tới xe cẩu để cẩu, chở riêng từng cây.

Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, chủ vườn quất bonsai ở P.Tứ Liên, cho biết trong khi thị trường nhiều loại cây cảnh trầm lắng, quất cảnh nghệ thuật vẫn giao dịch khá sôi động. Lượng khách ổn định, đa số là người có thu nhập cao hoặc doanh nghiệp mua làm quà biếu, tặng. Cây đẹp, độc, lạ được khách săn lùng từ khá sớm.

Ngay tại vườn nhà ông Mạnh, trong số 300 cây quất cung ứng cho tết Nguyên đán năm nay, 30% đã có khách chốt mua. “Cây cao nhất là 10 triệu đồng và phổ biến trong khoảng giá 5 - 7 triệu đồng/cây. Khách mua chủ yếu ở khu vực phố cổ Hà Nội hoặc khách quen ở các khu đô thị lớn đã chơi cây nhiều năm”, ông Mạnh nói.

Còn theo bà Ngô Thu Trang, chủ vườn quất Xuân Lộc (P.Tứ Liên), chiều theo thị hiếu của khách hàng cao cấp, nhà vườn này liên tục thay đổi mẫu mã theo từng năm. Mẫu được khách chuộng nhất năm nay là những bình quất, ang quất cỡ lớn được thiết kế theo điển tích, điển cố…

Giá cao nhất là sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp hoặc chủ biệt thự, dao động từ 20 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng nhưng vẫn được đặt mua khá nhiều.

“Sau 2 năm ảm đạm do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường quất nghệ thuật cao cấp năm nay khá sôi động, đông nhất là khách hàng khối doanh nghiệp, các ngân hàng. Họ lấy cây về chơi từ khá sớm khi quả quất chín lác đác chứ không chờ chín hết như mọi năm”, bà Trang nói.

Cây ngũ quả, đào thất thốn đông khách thuê

Ở làng trồng đào Nhật Tân (P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, Hà Nội), Phú Thượng (P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội)…, đào thất thốn là “vua” của các loại đào nếu xét giá bán và độ sành khách chơi.

Mỗi cây đào thất thốn giá thuê, mua lên tới vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Giống đào này ưa lạnh, phát triển chậm và số lượng cung ứng ra thị trường không nhiều. Những năm gần đây, nhiều nhà vườn chuyên trồng đào tại Hà Nội đã đưa giống đào này lên trồng và thuần dưỡng tại TX.Sa Pa (Lào Cai) để có số lượng lớn, kéo giá thuê, bán theo hướng bình dân hơn nhằm tiếp cận nhiều khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, khảo sát tại các nhà vườn, chợ hoa có bán đào thất thốn cho thấy, giá thuê chơi loại cây này rẻ nhất cũng khoảng 6 - 8 triệu đồng đối với cây nhỏ, còn với cây to, giá thuê lên tới vài chục triệu đồng.

“Khách chơi đào thất thốn phần lớn là giới doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ… đã mê trong nhiều năm. Giá mua cây cao nên phần lớn đều chọn thuê cây về chơi, mỗi năm chơi một dáng, thế khác nhau”, bà Nguyễn Thị Mai, người chuyên kinh doanh đào thất thốn ở P.Phú Thượng cho biết.

Có hơn 10 năm sáng tạo dòng cây ngũ quả ghép nhiều loại quả khác nhau, ông Lê Đức Giáp (trú xã Cao Viên, H.Thanh Oai, Hà Nội), cho rằng không thể phủ nhận sự tác động của dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn đến thị trường cây cảnh cao cấp. Trước khi có dịch Covid-19, mỗi năm nhà vườn này sẵn sàng cung ứng khoảng 80 - 100 cây và trong số đó, khoảng 80 - 90% cây được bán thành công.

Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, sức mua giảm hơn. Ông Giáp chủ động giảm số lượng cây bán ra và đi sâu vào dịch vụ chăm sóc, ghép cây tại nhà để giữ khách hàng cũ, đồng thời thu hút thêm khách mới.

“Đối với dòng cây to, đẹp, dáng thế độc đáo, nhiều khách đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua cây trước đây, tôi cung cấp dịch vụ ghép quả, bảo hành chăm sóc tại nhà đảm bảo cây đẹp, quả chín đều đúng dịp tết. Giá dịch vụ này từ 5 - 10 triệu đồng/cây và được rất nhiều người lựa chọn, thay vì năm nào cũng phải chi số tiền lớn mua cây”, ông Giáp nói.

Với thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vườn nhà ông Giáp chỉ cung ứng ra thị trường khoảng 60 cây, đến nay có gần 30 cây đã bán xong. Cây có giá thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất là 18 triệu đồng.

“Tôi không chắc chắn sẽ bán được hết số cây đã làm nhưng có thêm dịch vụ ghép quả, chăm cây tại nhà thì doanh thu trong vụ tết này không hề thua kém những năm trước”, ông Giáp tiết lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.