Khai giảng năm học mới ở 'trường tiểu học 0.4'

07/09/2018 10:44 GMT+7

Đó là Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, nằm ở chân núi Sao Mai, thuộc thôn Sông Bằng, xã Sông Bình, H.Bắc Bình, Bình Thuận.

Trường Hoàng Văn Thụ có rất nhiều điểm đặc biệt. Đó là ngôi trường nhỏ nhất tỉnh Bình Thuận nhưng chưa có “sổ hồng” (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất). Năm học 2018-2019, trường chỉ có 133 em học sinh nhưng có tới hai cơ sở cách xa nhau trên 5 km với các dân tộc thiểu số khác nhau thuộc hai làng Đá Trắng và Sông Bằng.
[VIDEO] Chuyện ở trường tiểu học “công nghệ 0.4” nhỏ nhất Bình Thuận
Muốn vào trường tiểu học này phải gửi xe ô tô ở trụ sở UBND xã Sông Bình ven QL28B, sau đó chuyển sang xe máy để đến trường. Con đường vào trường chi chít ổ voi ổ gà, sình lầy. Điểm trường chính chỉ cách chân núi Sao Mai chừng một hai cấy số đường chim bay. Trong số 133 em học sinh của trường hiện nay phần lớn là học sinh các dân tộc khác nhau như Nùng, Tày, Thổ, Ngái, Hoa...Thậm chí còn có cả trẻ nhỏ từ Campuchia về đây xin học. “Có hai em học sinh từ Campuchai về theo cha mẹ đến đây xin học. Các cháu không có bất cứ một giấy tờ gì nhưng chúng tôi vẫn phải tạo điều kiện cho các cháu để có cái chữ”, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhất chia sẻ.
Trường “không kết nối”
Cơ sở chính của trường Hoàng Văn Thụ nằm ở giữa thôn Sông Bằng, cụm dân cư di dân từ tỉnh Cao Bằng vào đây sinh sống từ những năm 1980. Gọi là trường nhưng điểm trường chính chỉ có 3 phòng học và một phòng “đa chức năng”. Khi học sinh xếp hàng khai giảng trong cái sân xi măng vài chục mét vuông, thầy hiệu trưởng thở dài: “Xin mãi cái sân xi măng to hơn chút xíu cho bọn trẻ vui chơi mà chưa có kinh phí xây dựng”.
Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng trong số 14 giáo viên của trường có tới 12 thầy cô đã có bằng đại học sư phạm. Trường còn có chi bộ Đảng với 7 đảng viên trẻ.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhất, hiện trường không có giáo viên tiếng Anh, không có internet vì khu vực này không có 3G. “Có hai thứ quan trọng hiện nay để việc giảng dạy các em tốt hơn, đó là tiếng Anh và Internet thì cả hai thứ ở đây đều không có”, thầy Nhất nói.
Thầy Nguyễn Văn Bình, giáo viên của trường nói vui : “Người ta đi học công nghệ 4.0 hết rồi, còn tụi em ở đây vẫn còn 0.4”.
Theo hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhất, do không có internet, không có 3G dẫn đến nhà trường và giáo viên không thể kết nối được với bên ngoài. Nhiều khi văn bản khẩn của Phòng Giáo dục, của UBND huyện chuyển về địa chỉ email của trường nhưng hiệu trưởng không nhận được vì không có internet. Do vậy, có những thông tin khi nghe được đã chậm cả vài ngày rồi.
Phát biểu tại lễ khai giảng (ngày 5.9) ở ngôi trường này, Chủ tịch UBND xã Sông Bình Lục Trung Nguyên, tâm tư: “Không hiểu sao đến bây giờ, ngành viễn thông vẫn không đầu tư sóng 3G và internet đến khu vực này. Đây là thiệt thòi rất lớn cho thầy cô giáo và bà con chúng tôi. Xã đã phản ánh, cũng có nhà mạng đến khảo sát, nhưng rồi họ bỏ đi không quay lại”.
Tại lễ khai giảng năm học mới Trường TH Hoàng Văn Thụ, PV Thanh Niên đã tới tham dự và trao tặng 10 chiếc xe đạp (trị giá 1,4 triệu/chiếc) cho các em học sinh nghèo tại đây. Đây là tiền ủng hộ của bạn đọc báo Thanh Niên (xin không nêu tên) muốn giúp đỡ các em có điều kiện đến trường. Dịp này, tại điểm trường Ngã Hai, thuộc Trường Tiểu học Phan Thanh 2, PV Thanh Niên cũng đã trao tặng 1 tấn gạo (trị giá 12 triệu đồng) và bánh kẹo của bạn đọc báo Thanh Niên cho 92 em học sinh người dân tộc Chăm tại đây. Cả hai điểm trường trên đều là điểm trường xa trung tâm, các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.