Khai phá 'mỏ vàng' nội địa

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/01/2023 09:04 GMT+7

Với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa Việt Nam được coi là “mỏ vàng” nếu được khai thác tốt.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean, cho biết: “May mắn lớn nhất cho doanh nghiệp (DN) là thị phần đã tăng thêm 1%, tương đương hơn 200.000 sản phẩm tại VN. Chúng tôi chuyên xuất khẩu hàng jean cho các thị trường lớn. Tuy nhiên, từ năm 2017, công ty quyết định mở rộng thị trường trong nước. Tôi quan niệm thế này, một thị trường có 100 triệu dân, trong đó, số người tiêu dùng đang mua sắm quần jean của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới cũng chiếm mấy triệu người. Vậy không có lý do gì mình đang làm hàng gia công cho các hãng jean nổi tiếng này, lại không tìm cơ hội từ miếng bánh mấy triệu dân đang sẵn sàng chi tiền triệu mua quần jean và mua nhiều như vậy. Nhờ vậy, trong 2 năm đại dịch và đặc biệt đến năm 2022, khi thị trường xuất khẩu bị “đổ” hàng loạt, công ty vẫn hoạt động tốt nhờ bán hàng trong nước”.

Khai phá “mỏ vàng” nội địa - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có chiến lược bài bản chinh phục thị trường nội địa

Tuyết Diệu

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số của Việt Thắng Jean tại thị trường nội địa tăng vọt 300% so cùng kỳ năm 2021. Nửa cuối năm qua, thị trường chững lại, sức mua giảm mạnh, nhưng tính hết năm, bán hàng tại thị trường nội địa vẫn tăng từ 2% lên 3% tổng sản phẩm của công ty. Ông Việt cho biết kế hoạch là tiếp tục tăng thị phần tại thị trường nội địa lên 4 - 5% trong năm nay và lên 7 - 8% tổng sản phẩm của công ty trong năm 2024. “Việt Thắng Jean có thể xếp “chung mâm” với khoảng 4 nhãn hàng jean có chất lượng, thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Chúng tôi xác định xuất khẩu vẫn là thị trường chính nhưng chiến lược mở rộng thị phần nội địa vẫn được triển khai quyết liệt. Hiện công ty có 4 kho tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, để phục vụ cho khách mua online nhanh nhất. May mắn của chúng tôi là sau thời gian kiên trì “đánh” thị trường nội địa, người tiêu dùng nay đã thay đổi nhiều về nhận thức, nhận diện sản phẩm rất tốt. Họ sẵn sàng bỏ tiền vài ba triệu đồng mua chiếc quần jean có thương hiệu, chất lượng, phong cách rõ ràng, hơn là mua quần jean không nhãn mác, hàng trôi nổi giá mấy trăm ngàn đồng”.

Tương tự, Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành vốn được biết đến là một trong những DN xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu với kim ngạch tăng cao hằng năm. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, DN này đang từng bước mở rộng và quay trở lại thị trường nội địa một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành, cho biết năm nay, bên cạnh xuất khẩu, gỗ Đức Thành đã khá thành công với chiến lược làm hàng cho thị trường nội địa. Nhờ đó, nhà máy vẫn duy trì sản xuất và công nhân có việc làm trong giai đoạn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm. “Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ DN bù đắp phần nào doanh thu. Những năm trước đại dịch, tỷ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85 - 86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, chỉ khoảng 12 - 15% còn lại là từ thị trường nội địa. Thế nhưng, năm qua, tỷ lệ này đã tăng lên và chúng tôi đặt ra mục tiêu là năm tới phải tăng doanh thu tại thị trường nội địa lên 20% tổng doanh thu của công ty. Muốn vậy, công ty phải đầu tư nhiều về thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu, chăm sóc các khách hàng nội địa…”, bà Liễu nói.

“Nhìn” rộng ra cả thị trường ASEAN

Trong quý cuối năm ngoái, kéo dài đến quý 1/2023, lượng đơn hàng của các ngành gia công xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ… giảm mạnh. Thế nên, đây cũng là 3 trong nhiều ngành hàng sản xuất xuất khẩu được khuyến cáo nên tìm cơ hội tại thị trường lớn hơn 100 triệu dân trong nước. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, thì việc quay lại thị trường nội địa không phải với DN nào cũng thành công. Hiệp hội khuyến cáo các DN có chiến lược tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc chỉ tìm ngách của thị trường nội địa, phải có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người trong nước và phải có đầu tư nghiên cứu và phát triển tốt.



Không phải doanh nghiệp nào cũng thành công

Thực tế không phải DN nào sớm quay về thị trường nội địa cũng gặt hái được quả ngọt. Công ty giày Viễn Thịnh chuyên gia công cho các hãng giày lớn trên thế giới nhưng tại nội địa, hơn 3 năm qua vẫn không bán được hàng như mong đợi. Đại diện đơn vị này nhận định người mua vẫn sẵn sàng bỏ dăm ba triệu để mua đôi giày da có thương hiệu nước ngoài, nhưng chưa sẵn sàng chi tiền triệu mua đôi giày nội địa, ngay cả chính đôi giày đó là hàng gia công xuất khẩu cho các hãng uy tín của nước ngoài. Hay như Công ty CP may mặc Dony chuyên làm hàng đồng phục xuất khẩu, gia công cho nhiều nhãn hàng đồng phục lớn năm qua cũng có ý định mở rộng thị phần tại nội địa, nhưng theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, là rất khó thành công, bởi miếng bánh hàng đồng phục khá nhỏ và đây là sân chơi của rất nhiều DN trong ngành may mặc.


Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thừa nhận: Trong thực tế, con đường quay trở lại thị trường nội địa đối với DN lớn làm hàng xuất khẩu không hề dễ dàng chút nào vì dung lượng của thị trường nội địa quá nhỏ so với quy mô sản xuất của họ. Hàng xuất đi bán cho các thị trường hàng chục đến hàng trăm triệu sản phẩm, trong khi thị trường trong nước, nắm được thị phần khoảng 100.000 sản phẩm đã là quá khó khăn, nhất là trong ngành hàng may mặc, giày dép. “Hãy cứ hình dung thế này, một nhà máy của Việt Tiến có thể may hàng hóa trong 1 ngày đủ bán cho thị trường nội địa 1 năm. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, số lượng có thể tăng gấp hàng trăm lần. Người phương Tây mua áo quần là đẩy xe đi mua cả chục chiếc, họ thay đổi thời trang nhanh và đó là thói quen tiêu dùng, chứ không phải vì đồ cũ mới mua. Chính tập quán tiêu dùng kích thích tính luân chuyển hàng hóa nhanh. Khi đơn hàng giảm, người nước ngoài “thắt lưng buộc bụng” thì người Việt cũng vậy thôi. Nên nhớ VN luôn có độ trễ cho những khủng hoảng của thế giới”, ông Chinh nói. 

Vì vậy theo ông Chinh, phải tìm hiểu vì sao đơn hàng giảm sút, nghiên cứu những đòi hỏi mới của khách hàng và đặc biệt phải nỗ lực gấp 5 - 7 lần để giành lại đơn hàng, không nên lơ là phần xuất khẩu quan trọng. Bên cạnh đó, nhanh chóng tìm hiểu mở rộng sang thị trường ASEAN. Hàng từ ASEAN vào VN nhiều, nhưng chiều ngược lại còn rất thấp. Người Việt có tâm lý cứ dầu gội, áo thun Thái, bánh ngọt Malaysia hay Indonesia ngon hơn hàng Việt. Một tâm lý được ăn sâu từ lâu nhưng không có cơ sở, trong khi người Việt cần hiểu rõ không phải tự nhiên mà thế giới bỏ ra hơn 371 tỉ USD để mua hàng hóa từ VN. Vì vậy bên cạnh quay lại thị trường nội địa, cần “nhìn” sang thị trường ASEAN để mở rộng địa bàn, tìm kiếm đơn hàng trong lúc kinh tế toàn cầu gặp khó hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.