Khám phá 'chợ ma' công nghệ ở Thâm Quyến

Thu Thảo
Thu Thảo
10/09/2019 14:00 GMT+7

Huaqiangbei ở Thâm Quyến là nơi có chợ bán buôn điện tử lớn nhất thế giới . Ban ngày, khu vực tấp nập người săn món hời công nghệ song đến gần nửa đêm, một hình thức chợ khác bán 'rác điện tử' mọc lên.

South China Morning Post ghé thăm chợ đêm trên đường Aihua thuộc khu vực Huaqiangbei trong tuần này và ghi nhận vô số mặt hàng được bày bán, chẳng hạn như dây cáp, máy chơi game cũ, smartphone và điện thoại "cục gạch". Hầu hết sản phẩm trông rất cũ kỹ.
Chợ này được gọi là "chợ ma" vì nó chỉ hoạt động vào buổi tối, và tiểu thương dọn hàng nghỉ ngơi trước bình minh do muốn tránh thanh tra đường phố. "Chợ ma" họp mỗi đêm và xuất hiện từ nhiều năm nay. Có ba quy tắc bất thành văn tại chợ, đó là không đặt câu hỏi về chuyện hàng giả hay thực, không đặt câu hỏi về nguồn gốc, và sản phẩm sau khi bán ra không được đổi trả.
Người mua hàng phải cẩn thận khi sắm sửa tại khu chợ này. Đôi khi những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được. Đa phần người bán và người mua hàng tại chợ đêm là nam giới. Chợ hoạt động tấp nập cho đến tầm 2 giờ sáng thì bắt đầu thưa hơn.
Huaqiangbei ban đầu là thị trường linh kiện điện tử nhỏ để hỗ trợ ngành sản xuất điện tử. Sau đó, nó phát triển mạnh khi máy tính cá nhân và điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Cách Huaqiangbei khoảng 1 giờ lái xe, người ta có thể bắt gặp hàng ngàn nhà máy bên rìa Thâm Quyến cũng như ở vùng Đông Quan và Huệ Châu lân cận. Đồng bằng Châu Giang có tiếng là "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử trong những năm gần đây đang đe dọa các khu chợ truyền thống như Huaqiangbei.

Chợ Huaqiangbei buổi sáng

Ảnh: BoardingArea

Với Thâm Quyến, thành phố này nổi tiếng là nơi khởi phát của Tencent, hãng game và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Sự phát triển của Thâm Quyến với tư cách đô thị công nghệ có thể được ghi nhận qua vô số trụ sở của các hãng lớn như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies và hãng drone tiêu dùng lớn nhất thế giới DJI.
Bắc Kinh có kế hoạch hợp nhất Thâm Quyến và 10 thành phố lân cận khác, trong đó có Hồng Kông và Macau thành một trung tâm tài chính, đổi mới khu vực. Thâm Quyến hiện rục rịch cho bước chuyển mình kế tiếp, khoảng 40 năm sau khi thí điểm cải cách và mở cửa của Đại lục giúp làng chài nghèo ngày xưa giờ trở thành Thung lũng Silicon của Trung Quốc hôm nay.
Nếu chợ Huaqiangbei là một lời nhắc nhở về chỗ đứng khiêm tốn của Thâm Quyến ở buổi đầu, tức chỉ là nơi sản xuất và kinh doanh điện tử tiêu dùng, thì chợ đêm trên đường Aihua là ký ức xa xôi hơn về "gốc gác" Thâm Quyến. Không ai biết "chợ ma" này sẽ còn tồn tại bao lâu.
Wang Shuyao, một người bán hàng tầm 40 tuổi ở "chợ ma" chào mời với phóng viên South China Morning Post một cỗ máy hình hộp với kích thước bằng một nửa chiếc điện thoại di động. Máy này có thể giúp người dùng gian lận trong kỳ thi.

Thâm Quyến

Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Wang còn chào mời chiếc điện thoại trông như iPhone đời đầu và máy chơi game như của hiệu Nintendo. Phóng viên South China Morning Post cho rằng "núi" đồ điện tử được bày bán có thể xuất xứ từ bãi rác hoặc những nơi không đáng tin cậy khác, và họ phải mua nước rửa tay sau khi lựa đồ tại "chợ ma".
Chợ đêm là địa điểm thích hợp để kiểm tra xem mắt bạn có tốt hay không, vì hầu hết người bán không thể nói cho bạn biết sản phẩm là gì và nó hoạt động ra sao. Kỹ năng mặc cả cũng rất cần thiết khi mua sắm tại đây, vì dù chợ bày bán nhiều món hàng rẻ tiền, vẫn có một số sản phẩm bị "hét giá" trên trời. Một số người ghé "chợ ma" để giải trí. Đôi khi chỉ mua một chiếc vỏ điện thoại di động giá 1 nhân dân tệ, tương đương 14 cent Mỹ, bạn cũng có thể được tặng một dây sạc miễn phí.
"Tại sao bạn không mặc cả với tôi nếu bạn cho rằng 5 nhân dân tệ là giá quá đắt cho chiếc đèn này?", một tiểu thương hỏi khách hàng của ông ta. Nhiều khách mua hàng gần đó cho rằng đèn nên chỉ có giá 2 nhân dân tệ và tiểu thương cuối cùng phải càu nhàu rằng mình bị ép giá khi bán nó với đúng 2 nhân dân tệ và nhận tiền qua ứng dụng thanh toán di động WeChat.
Một khách hàng đến từ Ấn Độ kỳ vọng tìm được chiếc smartphone cũ giá rẻ ở "chợ ma". Anh có một chiếc Xiaomi Mi 9. Pin điện thoại đã hư và thay pin chỉ tốn 60 nhân dân tệ, một tiểu thương cố gắng thuyết phục khách hàng Ấn Độ. Khi vị khách không muốn thay pin, người bán lập tức chào mời chiếc Oppo với giá 1.200 nhân dân tệ và nói: "Đây là sản phẩm cao cấp, giá gốc đến tận 3.000 nhân dân tệ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.