Khâu Từ là nơi tôi mong muốn được đặt chân tới từ vài năm trước - sau khi đọc tác phẩm Bất phụ như lai, bất phụ khanh của tác giả Chương Xuân Di. Nhân vật chính trong truyện là đại sư Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) - người đã có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật vào Trung Nguyên và dịch một số lượng khổng lồ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Tôi muốn đặt chân tới vùng đất hoang dã, khắc nghiệt và cũng đẹp khác lạ này. Tôi ao ước đứng trước Thiên Phật động Kizil - là tâm huyết của Kumarajiva đầy mê hoặc, linh thiêng và hùng vĩ ở những thế kỷ trước.
Buổi sáng hôm đó, trời lất phất mưa bay. Những dãy núi màu đỏ nâu sắc nhọn đâm thẳng lên trời với đường vân đá rất đẹp, như thể được ai cố tình đục đẽo bằng tay để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Những hẻm núi đủ mọi dáng vẻ nối tiếp nhau dài dằng dặc, không một bóng người, không có nổi một lùm cây, khung cảnh hiện ra hùng vĩ như miền Tây nước Mỹ.
Con đường cao tốc trải nhựa xuyên sa mạc tử thần Taklamakan |
CHIBOOKS CUNG CẤP |
Khâu Từ (tên gọi khác là Kuqa, Kuche) nằm trên một vị trí rất đắc địa, đây là nơi bốn nền văn minh lớn gặp nhau, gồm Trung Hoa, văn minh Kushan (Quý Sương) của Nam Á, Sogdiana (Túc Đặc) của Ba Tư và Hãn quốc Đột Quyết của người du mục. Thêm vào đó, Khâu Từ nằm trên giao lộ của con đường tơ lụa, thương nghiệp nở rộ đi cùng với sự phát triển rực rỡ của thủ công nghiệp. Vì vậy, Khâu Từ là quốc gia có nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và giàu có nhất Tây Vực.
Là điểm dừng chân quen thuộc của đoàn lữ hành trên hành trình từ Đôn Hoàng vượt qua rìa sa mạc Taklamakan tới Kashgar, ngày nay, Khâu Từ được chia ra làm hai khu vực: khu thành cổ và khu phố mới. Khi tôi đặt chân lên mảnh đất này, một Khâu Từ sầm uất, tấp nập thời cổ đại đã trôi vào dĩ vãng, cả thành phố chỉ có một vài con đường với nhịp sống chậm rãi. Trẻ con đang nô đùa, người lớn thì quét tước nhà cửa, thấp thoáng xa xa là một vài hàng quán bán trà, bánh Naan thơm lừng. Ở một góc sân nhà nhỏ, các cụ già đội mũ doppa truyền thống đang ngồi đánh cờ. Những ngõ phố nhỏ hẹp và nhà cổ đắp bằng đất ở khu phố cổ ngày càng bị mai một và thu hẹp đáng kể.
Ở khu vực này, điều níu nơi đây lại với quá khứ có lẽ là thánh đường Khâu Từ. Thánh đường được xây dựng từ thế kỷ 16, là trung tâm tôn giáo lớn thứ hai ở khu vực Tân Cương với diện tích chỉ nhỏ hơn thánh đường Id Kah ở Kashgar. Phòng cầu nguyện có thể chứa tới 3.000 tín đồ. Sau vụ cháy vào năm 1931, thánh đường đã được trùng tu lại vào năm 1932. Điều đặc biệt nhất của thánh đường Khâu Từ là nó vẫn giữ nguyên được kiến trúc Hồi giáo Tây Á với mái vòm màu xanh lục mang phong cách Ả Rập điển hình, không hề bị ảnh hưởng bởi phong cách Trung Quốc.
Thiên phật động Kizil
Con đường độc đạo từ thành phố tới Kizil là đường cao tốc trải nhựa xuyên qua sa mạc tử thần Taklamakan. Tôi ngồi trong xe ô tô, phóng tầm mắt ra các cồn cát trên sa mạc. Không hề có bóng một cái cây nào, chỉ toàn cát là cát và một màu vàng mênh mông tới vô tận.
Taklamakan từng được mệnh danh là nơi “vào được nhưng không ra được”. Con đường này có thể coi là sự kỳ diệu do con người tạo ra với tổng chiều dài 550 km, trong đó 450 km được xây dựng trên sa mạc cát di động. Để chắn gió và giữ cát, các kỹ sư đã thiết kế trên con đường này cách mỗi 500 m là một buồng nước, nước được dẫn qua các đường ống nhỏ dọc đường để tưới cỏ. Có nước là có cỏ, cách vài bước lại thấy những hàng rào chắn bằng lau sậy để ngăn cát sa mạc xâm lấn. Suốt dọc con đường hơn 500 km, thứ nổi bật nhất là hệ thống các buồng nước nối tiếp nhau, những đường cỏ xanh dưới ống nước và những đụn cát chất ngất. Để làm nên con đường xuyên qua sa mạc này, tôi tin đây thực sự là một kỳ tích của con người.
Băng qua sa mạc hoang vu, xuống xe vào trạm kiểm soát, khai báo thông tin vài lần, cuối cùng tôi cũng tới Kizil.
Đường từ cổng soát vé vào Thiên Phật động thật lãng mạn với hai hàng cây dương cao vút, cả con đường là một thảm lá vàng thơ mộng. Nhìn thấy tượng Cưu Ma La Thập, tôi gần như vỡ òa, tim đập thình thịch khi được chạm tay vào bức tượng khắc họa ngài ở độ tuổi 30 - 40 với khuôn mặt trác tuệ, khí khái bất phàm và cực kỳ có hồn.
Thiên Phật động Kizil gắn liền với tên tuổi của đại sư Cưu Ma La Thập. Cống hiến lớn nhất của Cưu Ma La Thập là sự nghiệp phiên dịch kinh sách. Tài sản mà Cưu Ma La Thập để lại cho hậu thế là 70 bộ và 348 quyển kinh Phật được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán như Kinh Kim Cương Bát Nhã, Kinh Duy Ma Cật… Toàn bộ Kinh, Luật, Luận mà ngài đã dịch đều rất mượt mà, dễ hiểu và trôi chảy, vừa giữ nguyên ý chính vừa truyền tải được ngữ điệu nguyên bản. Không ít người từng dịch những cuốn kinh này. Ví dụ, Kinh Kim Cương có tới bảy bản dịch, trong đó có cả bản dịch của Huyền Trang. Trình độ tiếng Hán của ngài Huyền Trang chắc chắn cao hơn Cưu Ma La Thập, nhưng bản dịch của Cưu Ma La Thập lại có sức sống mãnh liệt hơn cả. Những tác phẩm do ngài dịch vẫn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay. (còn tiếp)
(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)
Khám phá con đường tơ lụa
Bình luận (0)