Ngày nay, Trương Dịch rất nổi tiếng với địa mạo Đan Hà kỳ ảo. Tôi chọn Trương Dịch là điểm đến trong chuyến đi không chỉ vì nơi này từng nằm trên tuyến đường tơ lụa, mà còn bởi muốn tận mắt chiêm ngưỡng Đan Hà và ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng nằm trong lòng một ngọn núi đá.
Thiên Phật động |
CHIBOOKS CUNG CẤP |
Địa mạo Đan Hà thuộc quần thể công viên địa chất Đan Hà. Khu vực này nằm ở giữa hành lang Hà Tây, phía nam giáp tỉnh Thanh Hải, phía bắc giáp Nội Mông. Công viên địa chất Đan Hà có hai khu vực là Thất Thải Đan Hà (hay núi Cầu Vồng) với những dãy núi đá màu vàng, đỏ, nâu nhạt rất nổi tiếng; và Băng Câu Đan Hà với những tảng đá muôn hình vạn trạng sừng sững giữa đất trời.
Từ trung tâm TP.Trương Dịch tới Băng Câu chỉ mất khoảng 40 phút. Vé vào cửa là 40 nhân dân tệ, mua thêm vé xe buýt chở đến các địa điểm tham quan là 20 nhân dân tệ. Vì đang là mùa thấp điểm nên cả nhóm chúng tôi lại được giảm 50% giá vé vào cửa và vé xe buýt.
Đan Hà được hình thành từ kỷ Phấn Trắng. Khoảng 100 triệu năm trước, khi những dòng sông đầy phù sa bị khô hạn, lớp trầm tích ở đây bị ô xy hóa, tạo thành màu gỉ sét. Khoảng 30 triệu năm sau đó, biến đổi địa chất tiếp tục tạo nên một lớp đá sa thạch và các khoáng chất... Ngoài ra, các mảng kiến tạo của trái đất, sự va chạm của các lục địa và gió, mưa lũ góp phần tạo nên những dãy núi rực rỡ như bây giờ. Băng Câu rộng khoảng 300 km2 và nằm ở độ cao 1.500 - 2.550 m so với mực nước biển. Băng Câu được coi là chị em với Thất Thải, nhưng do mới được phát hiện vào năm 2014 và không được truyền thông rầm rộ nên rất ít du khách biết đến nơi này, Băng Câu bị lu mờ trước địa danh Thất Thải nổi tiếng. Đa số mọi người đến Trương Dịch chỉ tham quan núi Cầu Vồng mà lại bỏ quên một nàng công chúa khác của sa mạc.
Để bảo vệ lớp địa chất và sinh vật vô cùng mỏng manh ở đây, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu xây dựng lối đi riêng cho mỗi địa điểm ngắm cảnh. Khách du lịch chỉ được di chuyển trong phạm vi đó bằng phương tiện của trung tâm, không được tự ý đi lại và bước ra ngoài, nhằm gìn giữ cảnh quan, hệ sinh thái. Môi trường ở đây cũng được bảo vệ cực kỳ tốt.
Băng Câu là quần thể những tác phẩm điêu khắc đá tự nhiên độc đáo và sinh động. Có hàng trăm tảng đá với hình thù khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là hai tảng đá có hình lạc đà và bảo tàng Louvre (Pháp).
Ngay ở trạm dừng chân đầu tiên, tôi trông thấy rất nhiều tảng đá mang hình dáng lạc đà trong nhiều tư thế và được đặt cho những cái tên vô cùng lãng mạn như “Golden Camel’s Love”, “Greeting Camel”. Vào thời cổ đại, Trương Dịch là thành phố nằm trên tuyến đường tơ lụa, dường như có một mối liên hệ nào đó giữa tự nhiên và lịch sử nơi đây khi những con lạc đà bằng đá này khiến tôi liên tưởng đến đoàn lạc đà chở hàng hóa nặng trĩu trên lưng băng qua sa mạc khô cằn để tới vùng đất xa xôi tận Trung Á, Ba Tư, châu Âu. Rời khỏi những chú lạc đà đá xinh xắn, tôi lại thấy bất ngờ bởi những cột đá có hình thù và được đặt tên kỳ lạ như “cột âm dương”, “thần Trấn Vũ”, “hòn vọng phu” - hai cột đá tượng trưng cho mẹ và con trai đang ngồi trên đỉnh núi ngóng chồng đi chiến trận trở về… Mỗi tảng đá được đặt tên ở Băng Câu đều có một câu chuyện, sự tích đi kèm, khiến tôi say mê đọc và tưởng tượng.
Băng Câu không sở hữu những dãy núi như được đổ màu, không có những vân đá đan xen sắc màu rực rỡ, mà ánh lên sắc nâu nhạt và đỏ cam, đôi lúc pha xám. Nếu như Thất Thải là một bữa tiệc thị giác về màu sắc, thì Băng Câu là một sự ngạc nhiên khi tôi được chứng kiến mẹ thiên nhiên đã điêu khắc những ngọn núi thành hình dạng khác nhau đáng kinh ngạc như lạc đà, bảo tháp, cung điện… Tôi từng đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa thấy nơi nào có những tảng đá kỳ lạ như ở Băng Câu.
Ngày cuối cùng ở Trương Dịch, chúng tôi tới thăm ngôi chùa hang đá rất đặc biệt: chùa Mã Đề. Đây là ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng được đục khoét sâu vào núi đá cheo leo, cách TP.Trương Dịch khoảng 70 km. Lúc nhìn thấy Mã Đề, tôi đứng hình cả một phút, không tin nổi vào mắt mình khi thấy ngọn núi đá cao vút thế kia lại có thể chứa được cả một ngôi chùa bên trong lòng nó. Dưới chân núi là những dãy cờ phong mã (cờ cầu nguyện của Tây Tạng) xanh, đỏ, vàng, trắng rực rỡ dưới nắng vàng, khiến tôi cảm thấy thật gần gũi.
Điểm cuối cùng trong quần thể Mã Đề mà chúng tôi hướng tới là Thiên Phật động. Đây là ngôi chùa của người Hán, được xây dựng vào thời nhà Nguyên (năm 1271 - 1368). Cũng là khoét vào hang đá cheo leo nhưng cấu trúc, tượng Phật, mái vòm, tranh tường ở đây khác hẳn với chùa Mã Đề 33 tầng trời. Tượng Phật không còn giữ phong cách kiến trúc Tây Tạng nữa, mà là mang phong cách của người Hán. (còn tiếp)
(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)
Khám phá con đường tơ lụa
Bình luận (0)