Khám phá Qatar: World Cup ở xứ nhà giàu

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
25/01/2023 14:23 GMT+7

Sau những đứt gãy kết nối trong đại dịch, thế giới đã chứng kiến một World Cup vô cùng kỳ lạ.

Một buổi sáng khi từ khách sạn Plaza Inn Doha đến sân 974, tôi được một anh tình nguyện viên hướng dẫn ở ga tàu Ras Abu Aboud, ga cuối trên tuyến đường vàng của hệ thống tàu điện Doha, hướng dẫn tận tình về nơi tôi sắp sửa tới. Ấy là khi tôi đến đây để xem một trong những sân đấu kỳ lạ nhất của không chỉ kỳ World Cup này, sân đấu được tạo nên từ 974 thùng container.

“Xong World Cup thì người ta sẽ tháo dỡ nó”, anh tình nguyện viên dõng dạc, như thông báo cho tôi một bí mật động trời. Thực ra đấy không phải là thông tin gì mới mẻ. Tôi đã biết được điều đó từ trước khi đến đây, nhưng ở nơi này, vẻ bí hiểm và có phần tự hào của anh chàng tình nguyện viên Okello Sanyu khiến cho tôi cũng thêm phần tò mò muốn khám phá.

“Như vậy có phải là quá lãng phí không?”, tôi thắc mắc. Lời giải thích của một người không có thẩm quyền thật đơn giản: “Với sự kiện lịch sử này thì không có gì là lãng phí cả”.

World Cup của tiền bạc

Qatar, đất nước nhỏ bé nhất từng đăng cai World Cup, đã đầu tư một số tiền khổng lồ cho sự kiện lịch sử không chỉ với nước này mà với cả thế giới Ả Rập. Có nhiều con số được đưa ra, trong đó nhiều báo cáo cho biết Qatar đã đầu tư khoảng 220 tỉ USD cho World Cup 2022. Con số này là một kỷ lục trên nhiều phương diện. Không chỉ lớn hơn số tiền đầu tư của tất cả các kỳ World Cup trước đây cộng lại, lớn gấp 11 lần khoản tiền đầu tư cho kỳ World Cup xếp vị trí thứ hai về mặt tốn kém là World Cup 2014 tại Brazil, khoản tiền trên còn tương đương với GDP danh nghĩa của đất nước nhỏ bé nhưng giàu có này.

Tất cả con số đó chỉ để có được một trong những “World Cup thành công nhất lịch sử”, như lời của nhà vua 42 tuổi Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nói trong lễ khai mạc World Cup, giữa những tiếng vỗ tay như sấm dậy của thần dân Qatar sùng kính nhà vua tại cầu trường Al Bayt nơi thành phố Al Khor ở giữa sa mạc. “Từ Qatar, từ một đất nước Ả Rập, tôi chào đón tất cả mọi người đến với World Cup 2022. Chúng tôi đã làm việc hết sức mình, cùng với những người khác, để làm nên một trong những giải đấu thành công nhất. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực và sự đầu tư vì điều tốt đẹp cho toàn nhân loại”.

Những lời ngắn gọn này đã đúc kết tất cả những gì mà Qatar đã làm để mang về một kỳ World Cup đầu tiên diễn ra trong thế giới Ả Rập, tại vùng Trung Đông. Nó cho thấy Qatar đã không tiếc công, tiếc của từ việc vận động giành quyền đăng cai cho tới việc đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất, công nghệ, quảng bá cho kỳ World Cup 2022. Khi đi qua những nhà ga tàu điện mới xây rất hiện đại và có quy mô khổng lồ giữa một đất nước chưa đầy 3 triệu dân, tôi như thấy được phần nào quyết tâm “làm hết sức mình” của những ông vua nơi xứ sở khí đốt.

Nước chủ nhà Qatar giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc tại World Cup

Ý sau của vua Tamim là một lời nhắn gửi, hay đúng hơn là một thông điệp đáp trả đối với những lời chỉ trích nhằm vào điều kiện lao động của công nhân nước ngoài ở Qatar. Nhẹ nhàng, ý nhị, nhưng cũng rõ ràng, kiên quyết.

Để tạo nên một World Cup thành công, vua Tamim đã không tiếc những khoản đầu tư, trong đó có nhiều cơ sở vật chất làm nên chỉ “dùng một lần” cho World Cup, như sân đấu 974 đã đề cập ở trên. Khi đến Tổ hợp nhà ở C thuộc vùng Barwa Al Baraha ở ngoại vi Doha, tôi đã chứng kiến một thành phố mới mọc lên để phục vụ World Cup, với hàng chục dãy nhà trọ tiện dụng cao ba tầng giữa miền sa mạc mênh mông. Nơi đây đón hàng chục ngàn người hâm mộ đến ở trong suốt mùa World Cup. Các sân vận động hoành tráng, khổng lồ được làm mát để các trận đấu có thể diễn ra lúc 13 giờ có lẽ cũng sẽ bỏ không sau World Cup, khi mà với quy mô dân số và các hoạt động thể thao ở Qatar, thật khó để tận dụng hết công năng và quy mô của những đấu trường khổng lồ như vậy.

Thế giới nhìn vào thì xuýt xoa rằng “tốn kém”, nhưng đất nước nhỏ bé mà giàu nhất nhì thế giới này lại có sẵn tiền và ý chí để làm mọi thứ.

Chuyện Qatar, từ chỗ vô danh trên bản đồ bóng đá thế giới, trỗi dậy ở vị trí trung tâm khi giành được quyền đăng cai một kỳ World Cup, cũng nhanh chóng ngoạn mục như cách họ trỗi dậy giàu mạnh từ một vương quốc không có gì nổi bật nằm trên một bán đảo khô cằn đâm ra vịnh Ba Tư. Đấy là năm 1996, khi con tàu Al-Zubarah dài 297 m rời cảng Ras Laffan ở miền bắc Qatar chở theo 135.000 m3 khí đốt hóa lỏng trực chỉ Nhật Bản, sau khi nguồn mỏ khí đốt được phát hiện. Đấy là chuyến tàu xuất khẩu khí đốt đầu tiên của Qatar. Từ đó đến nay, trong khi xung đột xảy ra tại nhiều nơi khác trong thế giới Ả Rập, quốc gia nhỏ bé này lại không ngừng trỗi dậy nhờ vào nguồn “vàng xanh” dồi dào, để đến nay đã trở thành nước đứng hàng đầu thế giới về GDP trên đầu người.

Người dân Qatar thưởng thức World Cup bên ngoài sân vận động

Đỗ Hùng

Một khi giàu có, Qatar tập trung nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, tất nhiên không phải với tư cách là một gã trọc phú. Hoạt động đầu tư rầm rộ ra nước ngoài, bên cạnh lợi ích kinh tế thì qua đó cũng nâng cao danh tiếng của Qatar. Tổ chức World Cup 2022 cũng nằm trong đường hướng đó. Cho nên, cú vung tay hơn 200 tỉ USD không đơn thuần là một quả chơi ngông của mấy ông nhà giàu Ả Rập.

World Cup của sự khác biệt

World Cup mang theo không khí lễ hội của nó được người Qatar chào đón nồng nhiệt. Nhưng dưới lớp vỏ cởi mở sôi nổi ấy, những khía cạnh khác của một xã hội nặng tính truyền thống cũng le lói, như muốn cưỡng lại các tác động tiềm tàng.

Tôi nhớ anh chủ trọ của mình, một người Ả Rập truyền thống chính hiệu, đã cảm thấy khó chịu như thế nào khi bắt gặp cảnh người nước ngoài uống bia trước mặt mình. Nỗi lo của anh thật cụ thể và có thể hiểu được, rằng lớp trẻ liệu có nhân mùa World Cup mà tiếp nhận các thứ văn hóa ngoại lai, đặc biệt là thói quen rượu bia “xấu xa” kia hay không. Nhưng đấy chỉ là một phần của các xung khắc phát sinh.

Sau những tranh cãi bên ngoài sân cỏ, người hâm mộ đã có dịp hòa mình vào không khí sôi nổi của World Cup

Bất chấp nỗ lực vượt bậc của Qatar trong việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cũng như trong công tác truyền thông, World Cup 2022 vẫn là một giải đấu đầy tranh cãi từ ngay khi tên nước đăng cai được công bố. Đã có nhiều kiện tụng, điều tra; nhiều nhân vật lớn của thể thao đã vướng vòng lao lý với cáo buộc nhận hối lộ khi bỏ phiếu cho Qatar.

Trong lớp lớp những bất đồng ấy, có nhiều thứ là do khác biệt văn hóa, có những thứ là do khác biệt trong việc nhìn nhận những giá trị phổ quát của văn minh. Nhưng vì bất kỳ lý do nào thì World Cup 2022, bên cạnh sự tốn kém, đã trở thành giải đấu có nhiều tranh cãi nhất trong khoảng nửa thế kỷ qua.

Chính vì vậy mà, trong thông điệp rất ngắn của mình, nhà vua của Qatar đã nói một cách ý nhị rằng, các nỗ lực tổ chức World Cup đều “vì sự tốt đẹp của toàn nhân loại”.

Giữa những ngày diễn ra World Cup, bên cạnh việc hòa mình vào không khí sục sôi của sân vận động, hay những dòng chảy cuồn cuộn người hâm mộ trên các chuyến tàu điện, tôi đã dành nhiều thời gian để đi đến các khu công nhân nghèo ở về phía một Doha ít lung linh. Ở đó, có những công nhân xúm nhau xem bóng đá qua chiếc ti vi cũ đặt ở góc khu nhà trọ hoặc trên hè phố. “Tôi đã xây Sân vận động Lusail”, anh công nhân người Sri Lanka Mohamed Anton đã nói với tôi như thế, với chất giọng dường như có một chút gì đó tự hào.

Các tranh cãi chính trị là điều gì đó xa lạ với những người như Anton. Sân đấu Lusail lung linh cũng trở nên xa vời đối với anh kể từ khi anh hoàn tất sứ mệnh của mình.

Và một World Cup e ấp

Ở trên phố Souq Waqif, trong ngày đầu đặt chân đến Doha, tôi đã đưa điện thoại định chụp cảnh một nhóm phụ nữ đi qua trước bức tường được trang trí hình ảnh World Cup rất đẹp. Tôi muốn bằng hình ảnh này minh họa cho câu chuyện World Cup diễn ra giữa thế giới Ả Rập. Tôi bắt đầu bằng việc vẫy tay ra hiệu xin phép. Những phụ nữ kia quay lại xua tay dứt khoát: “Ở Qatar, anh không được phép chụp hình như vậy”. Với chút tiếng Anh cơ bản, họ nói: “No photo in Qatar”. Có rất nhiều lần như thế.

Lúc bấy giờ tôi đã rụt lại ngay. Một cú sốc văn hóa nhè nhẹ chạy qua đầu. Tôi từng đi tác nghiệp nhiều kỳ World Cup và EURO. Hầu như ở đâu, dù là Paris hoa lệ hay Rio de Janeiro hội hè, dù Saint Petersburg cổ kính hay Johannesburg hoang dã, những người xuất hiện trước ống kính của tôi thường chủ động tươi cười, vẫy tay hoặc làm dáng. Trong sự sôi động của bóng đá, họ như háo hức muốn mình là một phần của lễ hội, muốn giới thiệu hình ảnh mến khách của đất nước mình, hoặc đơn giản là chỉ muốn xuất hiện trên truyền thông quốc tế.

Với World Cup 2022, nước chủ nhà đã đầu tư lớn trong khâu làm hình ảnh và tổ chức các sự kiện văn hóa. Họ thuê rất nhiều nhóm nghệ thuật dân tộc, các ban nhạc nổi tiếng biểu diễn trên sân khấu hoặc xung quanh sân vận động. Các bài hát Ả Rập du dương huyền bí, các buổi biểu diễn lạc đà của người Bedouin, các nhóm nhảy hiện đại cứ không ngừng được cất lên, được phô diễn khắp nơi.

Trên hè phố Moscow của 4 năm trước, tôi đã cùng các cổ động viên Bồ Đào Nha nhảy múa bên những cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ. Ở giữa trung tâm São Paulo của mùa hè 2014, tôi từng đứng cả tiếng đồng hồ xem mấy bà cụ già ngẫu hứng đóng cửa hiệu và mở nhạc nhảy điệu mambo tưng bừng. World Cup ở xứ sở Ả Rập này nghiêng về e ấp, chứ không phơi bày lồ lộ ra. Nó như là một thế giới bí ẩn cần bạn cẩn trọng khám phá. Khám phá nhưng phải cẩn trọng, bởi phía sau lớp áo kín mít và chiếc mạng che mặt của người phụ nữ Ả Rập là một ma trận của luật lệ mà bạn rất dễ vô tình phạm phải.

“Anh cứ đi, cứ viết và cứ chụp hình thoải mái”, anh bạn đồng nghiệp Fakih Zaidi người Oman nói với tôi trên chuyến xe dành cho báo chí từ Trung tâm báo chí chính tới sân Lusail, vào hôm diễn ra trận Argentina gặp Ả Rập Xê Út. “Nhưng anh cần biết những giới hạn”.

Tôi không biết hết những giới hạn. Tôi chỉ mường tượng ra các giới hạn mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.