Ngày 13.11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, có hội nghị giao ban với các tỉnh Trung bộ để triển khai ứng phó cơn bão số 13.
4 yếu tố nguy hiểm
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bão số 13 đang có 4 yếu tố nguy hiểm mà các địa phương không được chủ quan: bão có đường đi rất khó đoán định; cường độ bão còn lớn; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng; và cuối cùng là bão đổ bộ vào đúng khu vực đã có mưa bão liên tục cả tháng vừa qua.
Ông Cường đề nghị các địa phương được cảnh báo nằm trong vùng có mưa lớn cần đặc biệt cảnh giác với các tình huống tai biến địa chất có thể xảy ra. “Dọc sườn tây miền Trung liên tục mưa lũ cả tháng qua, đất đá no nước đã bở rời, nên chỉ cần một vài trận mưa cường lực lớn là dễ có trượt, sạt lở đất đá”, ông Cường cảnh báo.
|
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, bão số 13 đổ bộ vào bờ vẫn là cơn bão mạnh. Mưa bão sẽ tiếp tục gây ra ngập úng, sạt lở đất, nếu không có biện pháp sơ tán dân thì thiệt hại tính mạng của người dân sẽ khó lường.
Phó thủ tướng yêu cầu đối với khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã được Bộ TN-MT cảnh báo, các địa phương bằng mọi biện pháp phải tập trung sơ tán người dân, đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân ở nơi sơ tán.
Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam vừa công bố khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 170.000 NZD (gần 2,7 tỉ đồng) cho cộng đồng các tỉnh miền trung Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi lũ và lở đất vào tháng 10 vừa qua. Khoản cứu trợ khẩn cấp bao gồm 150.000 NZD thông qua UNICEF và 20.000 NZD cho quỹ ứng phó thiên tai khẩn cấp của tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision).
|
Dự kiến sơ tán, di dời hàng trăm ngàn dân
Để ứng phó bão, tại Thanh Hóa có 48.817 hộ sinh sống ở khu vực ven biển và cửa sông phải sơ tán khi bão vào. Chiều 13.11, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ban hành công điện khẩn ra lệnh cấm biển từ 19 giờ cùng ngày cho đến khi hết bão.
Ngày 13.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát công điện khẩn ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 13, yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương rà soát, lên phương án để chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đến chiều 13.11, gần 4.000 tàu thuyền của Hà Tĩnh với hơn 14.900 ngư dân đã vào các âu tránh trú bão trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Bình đã sơ tán, di dời người dân đến các nhà kiên cố cao tầng đảm bảo an toàn trước khi bão, lũ xảy ra (hoàn thành trước 16 giờ ngày 14.11). Sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, rà soát các điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu…
Để ứng phó với cơn bão số 13, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18 giờ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời khẩn trương sơ tán 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu ở các vùng có nguy hiểm đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày hôm nay (14.11).
Tại Đà Nẵng, thời gian hạn chế cấm ra đường bắt đầu từ 12 giờ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy. UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực nguy hiểm chậm nhất đến 11 giờ ngày 14.11. TP.Đà Nẵng dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12 - 13 là 140.868 người.
|
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lượng mưa ở Quảng Trị mấy ngày qua trung bình từ 200 đến 300 mm, có nơi lớn như Mỹ Chánh 441 mm, Thạch Hãn 380 mm khiến nước sông đang dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi. Dự kiến phương án sơ tán dân nếu bão 13 trực tiếp đổ bộ vào Quảng Trị là 24.827 hộ (94.689 người) và nếu xảy ra lũ lịch sử sẽ sơ tán 15.372 hộ (49.757 người) thuộc 99/124 xã phường. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết hiện đã triển khai sơ tán 574 hộ dân với 1.993 người (sơ tán tránh lũ 334 hộ ở H.Hải Lăng, sơ tán tránh sạt lở đất 230 hộ ở H.Hướng Hóa).
Riêng đối với sơ tán dân vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, Quảng Trị chỉ có 1 phương án, dự kiến sơ tán 1.902 hộ với 7.793 người đến các điểm sơ tán tập trung. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 14.11.
Liên tiếp bị thiệt hại dù bão chưa vào
Dù bão số 13 chưa vào nhưng Quảng Trị đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do mưa lũ. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Phi (78 tuổi, trú thôn Tân Xuân Thọ, xã Hải Trường, H.Hải Lăng) bị nước cuốn trôi khi đi qua khe suối chiều 11.11, đã tìm thấy thi thể sáng 12.11. Ngoài ra, ít nhất 4 người dân đã thiệt mạng do liên quan lũ lụt tại Thừa Thiên-Huế.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 13.11 ông Trần Quang Hùng, trú tại làng An Xuân, xã Quảng An, H.Quảng Điền dùng xe công nông chở con là chị Trần Thị Ngọc Huyền, sinh viên năm 2 ngành du lịch vượt lũ để lên TP.Huế đi học; khi đến đoạn đường liên thôn thuộc thôn Mỹ Xá, xã Quảng An chiếc xe công nông bị lật bánh và ngã xuống ruộng giữa dòng lũ khiến chị Huyền tử nạn, một người con trai của ông Hùng (cũng là sinh viên) đi theo bị gãy chân.
Trước đó trưa 12.11 bà Hoàng Thị Thảo, 47 tuổi, ở thôn Khuôn Phò Nam, TT.Sịa, H.Quảng Điền tử nạn vì bị tường của chuồng nuôi gà sập đè. Còn tại H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) khoảng 17 giờ ngày 12.11 anh Hoàng Văn Quý, 32 tuổi và cháu anh Quý là Hoàng Thanh Bình 11 tuổi, cùng trú tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, H.Phong Điền khi đi ghe qua cánh đồng Đồng Rú, làng Hiền An, xã Phong Sơn thì bị lật. Tối cùng ngày lực lượng cứu hộ cứu nạn xã Phong Sơn, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tìm thấy lần lượt thi thể anh Hiền cùng cháu Bình.
Gió mạnh nhất từ Quảng Nam đến Hà TĩnhTrung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 13 giờ ngày 13.11, tâm bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 11 - 12, tương đương sức gió từ 100 - 135 km/giờ, giật cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Lúc 13 giờ chiều nay (14.11), tâm bão nằm trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất ở cường độ cấp 11, tương đương sức gió từ 100 - 115 km/giờ, giật cấp 14.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay cơn bão số 13 có hoàn lưu rất rộng nên sẽ ảnh hưởng dọc theo ven biển các tỉnh bắc và trung Trung bộ. Từ sáng sớm nay (14.11), toàn bộ dải ven biển này sẽ có gió mạnh dần lên. Cụ thể, vùng gió mạnh ảnh hưởng từ cơn bão số 13 kéo dài từ Bình Định đến Thanh Hóa. Trong đó, vùng trọng tâm cơn bão dự kiến sẽ đi vào các tỉnh Quảng Nam đến Hà Tĩnh trong khoảng đêm muộn ngày 14.11 và rạng sáng 15.11. Trong đó, vùng ven biển các tàu thuyền, lồng bè, công trình ven bờ có thể chịu đựng gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12. Còn khi đi sâu vào đất liền, gió bão vẫn mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11.
Bên cạnh đó, ông Khiêm cảnh báo: “Vùng mưa trọng tâm là khu vực các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị. Trong đó, cần đề phòng sẽ có khả năng mưa lớn cấp tập trong thời gian ngắn, khoảng 6 tiếng, có thể lên tới trên 100 mm”.
|
Bình luận (0)