Khánh Hòa: Đường chung bị chặn, nhiều hộ dân trồng sầu riêng khóc ròng

Hiền Lương
Hiền Lương
28/09/2023 10:16 GMT+7

Hàng chục héc ta sầu riêng có giá trị hàng chục tỉ đồng của nhiều hộ dân tại Khánh Hòa có nguy cơ 'chết yểu' vì đường độc đạo đi chung lên rẫy bị một hộ dân tự ý phá bỏ, bít kín.

Nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) gửi đơn đến Báo Thanh Niên phản ánh đường đi chung của họ bị một hộ dân khác "phong tỏa" khiến việc chăm sóc sầu riêng gặp vô vàn khó khăn. Trong khi các hộ dân "đang ngồi trên lửa" thì chính quyền địa phương vẫn chưa có cách xử lý dứt điểm.

Đường bị chặn, người dân còng lưng vác từng bao phân lên rẫy

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, các hộ dân cho biết sự việc xảy ra tại vùng trồng sầu riêng thuộc thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, H.Khánh Sơn. Từ trước đến nay, các hộ dân có đi chung một con đường độc đạo để vào rẫy làm nông nghiệp. Đường này đi qua nhiều lô đất của nhiều hộ dân, được hình thành từ hàng chục năm trước và đến năm 2009, được mở rộng khoảng 5 - 6 m để thuận tiện cho đi lại, chăm sóc cây trồng.

Khánh Hòa: Đường độc đạo bị chặn, nhiều hộ trồng sầu riêng kêu cứu   - Ảnh 1.

Hố sâu giữa đường được tạo ra nhằm cản trở người và phương tiện đi lại

H.L.

Từ trước đến nay, việc đi lại trên con đường này giữa nhiều hộ dân diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cách đây hơn 2 tuần, con đường này bị gia đình ông L.T.T (trú thôn Cam Khánh) ngang nhiên đưa máy múc đào hố sâu, phá bỏ gần như hoàn toàn một đoạn đường dài cả trăm mét (vị trí đường bị phá đi qua đất của ông T.) với mục đích không cho người và phương tiện đi lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Linh (một hộ dân ký đơn kêu cứu) cho biết, đường đi chung này hình thành rất lâu, đi qua đất nhiều hộ dân. Từ trước đến nay, các hộ vẫn sử dụng đường chung bình thường, không có tranh chấp gì. "Đường hình thành là do nhiều chủ đất liền kề góp đất tạo ra, trong đó có cả hộ ông T. Việc chặn đường gây thiệt hại lớn cho chúng tôi trong việc chăm sóc sầu riêng", bà Linh bức xúc.

Khánh Hòa: Đường độc đạo bị chặn, nhiều hộ trồng sầu riêng kêu cứu   - Ảnh 2.

Không có đường cho xe vận chuyển, người dân thuê người vác từng bao phân bón leo dốc lên rẫy

C.T.V.

Theo tìm hiểu của PV, việc gia đình ông T. chặn đường đi chung ảnh hưởng trực tiếp ít nhất đến 6 hộ dân với diện tích ảnh hưởng trên 30 ha. Ông Nguyễn Sính (hộ dân có 2 ha sầu riêng 2 năm tuổi, nằm phía trong tiếp giáp vườn ông T.) bức xúc: "Mỗi héc ta sầu riêng của tôi đã đầu tư hàng tỉ đồng, hiện cần vô phân sớm vì đây là giai đoạn đầu mùa mưa, thời điểm thích hợp nhất để vào phân bón. Tuy nhiên, việc chặn đường như vậy khiến sầu riêng chúng tôi không thể chăm sóc vì không có đường vận chuyển phân bón, nguy cơ cả vườn sầu riêng chết dần".

Việc đường đi chung bị chặn không chỉ ảnh hưởng đến cây sầu riêng mới trồng mà nhiều héc ta sầu riêng trưởng thành khác tại thôn Cam Khánh cũng có nguy cơ thiệt hại nặng nề. Một số chủ vườn cho biết, sầu riêng của họ đã thu hoạch cách đây hơn tháng, nay là "thời điểm vàng" vào phân nuôi dưỡng cây vì H.Khánh Sơn đang vào mùa mưa. Nếu thời điểm này, cây sầu riêng không được chăm sóc kịp thời, nguy cơ thất thu vụ mùa tới là hiện hữu.

Khánh Hòa: Đường độc đạo bị chặn, nhiều hộ trồng sầu riêng kêu cứu   - Ảnh 3.

Một đoạn đường qua địa phận đất nhà ông T. bị lấp gần như hoàn toàn, cây cối ngã đổ chắn ngang con đường cũ trước đây

H.L.

Qua ghi nhận của chúng tôi, con đường độc đạo này hiện trạng là đường đất, đã bị phá hủy hàng trăm mét, xen vào đó là các hố sâu cố ý được tạo ra giữa mặt đường để ngăn cản người và phương tiện đi lại. Một số đoạn đường đã bị san lấp phẳng, gia đình ông T. cho trồng cây sầu riêng lên đó.

Sầu riêng là cây có giá trị kinh tế cao, một héc ta lên đến hàng tỉ đồng và có quy trình chăm sóc khá phức tạp, đúng thời điểm. Trong mấy ngày qua, vì nóng lòng vào phân bón cho cây, nhiều người dân phải thuê người len lỏi gùi từng bao phân lên rẫy. Tuy nhiên, cách làm này "như muối bỏ bể", rất tốn kém. 

"Vườn sầu riêng nhà tôi cần bón khoảng 7 tấn phân nhưng việc chặn đường khiến xe không thể chuyên chở phân vào rẫy. Không còn cách nào khác, chúng tôi thuê người vác từng bao phân lên rẫy với chi phí 500.000 đồng/ngày công, nhưng mỗi ngày một người chỉ vác được 3 bao phân bón, loại 25 kg/bao. Làm được ít ngày nản quá, gia đình tôi "để thí", cầu cứu chính quyền giải quyết", bà Linh bày tỏ.

Độc chiếm đường "là vô lý"

Ông Nguyễn Văn Bính (ngụ TT.Tô Hạp, H.Khánh Sơn) cho biết, đường dân sinh đi chung mà hộ ông T. đang bít và phá hủy do ông thi công mở rộng từ 2009. Theo ông Bính, việc thi công con đường này là tự nguyện góp đất của nhiều hộ, trong đó có gia đình ông T.

"Tôi bỏ cả trăm triệu đồng thời điểm đó để làm đường là rất lớn, nhưng vì cái chung, có lợi cho nhiều hộ nên vẫn sẵn sàng. Hơn 2 km đường hình thành là tự nguyện góp đất của các hộ, không có sự đồng thuận sao tôi làm được. Nay tôi không còn đất rẫy ở đây nữa nhưng nghe việc có hộ độc chiếm, phá đường, thật vô lý", ông Bính chia sẻ.

Khánh Hòa: Đường độc đạo bị chặn, nhiều hộ trồng sầu riêng kêu cứu   - Ảnh 4.

Một đoạn đường đi chung tiếp tục bị vùi lấp do quá trình tạo mặt bằng của gia đình ông T.

H.L.

Sau khi bị chặn lối đi chung, nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Sơn Lâm mong được giải quyết thấu đáo. Tại buổi hòa giải diễn ra hôm 19.9, nhiều cán bộ hòa giải đều nêu ý kiến, đề nghị gia đình ông T. tiếp tục để lại con đường cho các hộ dân đi chung như trước đây. 

Tại buổi hòa giải, bà H.T.T.N (vợ ông T.) quả quyết cho rằng đất bà không có đường đi chung nào hết. "Tôi chỉ biết 2 người và chỉ cho 2 người đi thôi. Nay 2 hộ này không canh tác, hay đã bán đất lại cho ai, thì tôi bít đường. Bây giờ không có thương lượng gì hết", bà N. quả quyết tại buổi hòa giải.

Kết luận tại biên bản hòa giải ngày 19.9, ông Trịnh Đình Ba, Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm yêu cầu gia đình ông T. tiếp tục để lại con đường cho các hộ dân phía trong đi lại như trước đây. Tuy nhiên, gia đình ông T. không đồng ý và không ký vào biên bản hòa giải.

Ngày 27.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Đình Ba, Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, khẳng định đường đi chung này có từ rất lâu và được mở rộng từ 2009. Hiện đoạn đầu con đường này (khoảng một nửa chiều dài - PV) đã được đổ bê tông, bằng nguồn ngân sách.

Ông Ba cũng cho rằng, việc tự ý chặn đường ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người dân trồng sầu riêng và không thể chấp nhận. "Bản thân tôi 2 lần xuống nhà vận động, gia đình ông T. lúc thì đồng ý hòa giải mở lại đường, lúc thì không. Xã đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, hiện đang làm báo cáo gửi lên huyện", ông Trịnh Đình Ba thông tin.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 28.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.