Khánh thành 'địa chỉ đỏ' Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

05/10/2022 15:32 GMT+7

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là nơi từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng bộ khu ủy Trị Thiên Huế. Đây là căn cứ quan trọng, quyết định trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn năm 1968.

Sau một thời gian tu bổ, tôn tạo, ngày 5.10, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế (thuộc Sở Văn Hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã tổ chức lễ Khánh thành công trình di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế.

Cận cảnh "địa chỉ đỏ" Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Nơi ghi dấu ấn lịch sử quan trọng

Ngược dòng lịch sử, tháng 8.1967 thực hiện ý đồ chiến lược của T.Ư Đảng nhằm mở hướng tiến công ở đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế đã được khởi công tại Khe Trái (nay thuộc P.Hương Vân, TX.Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Địa đạo nhằm tạo thế liên hoàn giữa vùng núi, đồng bằng và đô thị, phá thế kìm kẹp, chia rẽ của địch.

Để vào di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế phải di chuyển bằng thuyền trên hồ thủy điện Hương Điền

LÊ HOÀI NHÂN

Sau khi hoàn thành, nơi đây trở thành cơ quan đầu não của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế. Tại địa đạo này đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Ban chấp hành Khu Ủy đã đưa ra nhiều quyết sách quyết định đến các trận đánh lớn, trong đó đặc biệt là thắng lợi trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Khu vực hầm cảnh vệ được tôn tạo

LÊ HOÀI NHÂN

Sau khi thường vụ Khu ủy họp để đánh giá, sơ kết chiến dịch Huế và Xuân Mậu Thân 1968. Trên cơ sở phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn, tháng 5.1968, Bộ Chỉ huy Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định chuyển lên miền núi H.A Lưới, tại địa đạo lúc này chỉ còn lại lực lượng vũ trang của H.Hương Trà đóng giữ.

Ông Lê Ngọc Anh là nhân chứng của di tích cách mạng này

LÊ HOÀI NHÂN

Là nhân chứng của di tích cách mạng này, ông Lê Ngọc Anh (77 tuổi) xúc động kể trong lễ khánh thành: “Tháng 6.1968 tôi bảo vệ nơi đây, lúc đó tôi là người bảo vệ địa đạo và là người dẫn đường cho 22 đồng chí công binh đào địa đạo, anh em cứ miệt mài đào hơn 3 tháng trời, gian truân và khó khăn lắm… cho đến hôm nay, khi địa đạo được chính quyền đầu tư, xây dựng tôi xúc động vô cùng. Anh, em đồng chí đồng đội của tôi đã nằm xuống ở Trường Sơn bây giờ chắc sẽ vui lắm".

Thêm một "địa chỉ đỏ” tại Thừa Thiên – Huế

Với những giá trị lịch sử quan trọng, ngày 13.2.1996, di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định Số 310/QĐ-BT xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, dưới tác động của thiên nhiên, có khoảng thời gian địa đạo này đã bị vùi lấp. Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế) đã tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện nhiều hiện vật quan trọng như: Bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp... có giá trị lịch sử.

Dự án được bảo tồn, trùng tu xây dựng với kinh phí hơn 6 tỉ đồng

LÊ HOÀI NHÂN

Đến nay, Khu chứng tích này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt dự án bảo tồn, trùng tu xây dựng với kinh phí hơn 6 tỉ đồng.

Qua đó đã tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; Phục dựng, tôn tạo 1 căn bếp Hoàng Cầm trước đây của Huyện ủy Hương Trà sử dụng; Phục dựng, tôn tạo 2 hầm cảnh vệ số 1 và số 3. Xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh theo nguyên trạng.

Hệ thống đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm được xây dựng khang trang

LÊ HOÀI NHÂN

Ngoài việc bảo tồn những dấu tích lịch sử, trong giai đoạn 1 chủ đầu tư cũng đã xây dựng mới nhà bia tưởng niệm; dựng bia đá tự nhiên nguyên khối, khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích; Xây dựng chòi nghỉ dừng chân; xây dựng mới cầu tàu kích; Lắp cột thủy chí bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn; hệ thống đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm được xây dựng khang trang…

Chòi nghỉ dừng chân

LÊ HOÀI NHÂN

Trực tiếp khảo sát công trình di tích cách mạng, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bày tỏ niềm tự hào và xúc động. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phương đã đưa ra các quyết sách hợp lý, chỉ đạo Bảo tàng lịch sử tiếp tục trùng tu, phục dựng với kỳ vọng hoàn tất nguyên trạng khu địa đạo này.

Ông Nguyễn Văn Phương (áo xanh) cùng đoàn kiểm tra đã trực tiếp khảo sát công trình

LÊ HOÀI NHÂN

“Hy vọng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế sẽ là một điểm đến về di tích lịch sử, văn hóa góp thêm địa chỉ đỏ cho vùng đất vốn dĩ đã mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử. Tôi mong, Sở Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng lịch sử tiếp tục khai thác, quảng bá đến người dân và du khách, mang đến cho họ những trải nghiệm quý khi đến tham quan công trình”, ông Phương nói.

Hệ thống giao thông hào bao quanh được xây dựng theo nguyên trạng

LÊ HOÀI NHÂN

Khu vực cửa hầm cảnh vệ tại Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

LÊ HOÀI NHÂN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.