Có nhiều nguyên nhân gây khát nước. Tuy nhiên, khát nước do tiểu đường thì cơn khát sẽ xuất hiện liên tục, kèm theo các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, khô miệng, khô mắt, cơ thể mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Khi lượng đường glucose trong máu tăng cao, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Kết quả là khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên và tăng nhu cầu sử dụng nước của cơ thể, từ đó gây khát.
Để giảm cơn khát và ổn định đường huyết, người bệnh có thể áp dụng những cách sau:
Uống nước và trà thảo mộc
Vì cơ thể cần nước nên người bị tiểu đường cần uống nước khi khát. Ngoài nước lọc, họ có thể uống các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc hoặc trà bạc hà. Các loại trà này chứa những dưỡng chất rất có lợi cho người tiểu đường.
Ăn thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Các loại thực phẩm giàu chất xơ là rau lá xanh, hạt chia, yến mạch, gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn đóng vai trò cực kỳ quan trọng với người bệnh tiểu đường, ngay cả khi tập với cường độ thấp. Các bài tập như đi bộ, đạp xe hay yoga sẽ giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường glucose trong máu. Đường huyết duy trì ở mức khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ mất nước và khát nước.
Dùng quế
Quế được khoa học chứng minh là chứa các dưỡng chất có thể tăng độ nhạy insulin và ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Điều này là do một số hợp chất trong quế có tác dụng tương tự insulin, giúp đưa đường glucose từ máu vào tế bào.
Giảm stress, ngủ đủ giấc
Stress và thiếu ngủ đều tác động tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết. Các kỹ thuật như hít thở sâu và thiền có thể giúp giảm căng thẳng và dễ chìm vào giấc ngủ. Các chuyên gia cho biết ngủ từ 7-8 tiếng/đêm sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, đồng thời giảm cơn khát, theo Verywell Health.
Bình luận (0)