Nước ao cũng không có mà dùng
Xã Tượng Văn có hơn 5.200 nhân khẩu thì quá nửa số dân này đang chống chọi từng ngày vì thiếu nước sạch. Dù nằm dọc sông Yên, cách biển hàng chục ki lô mét đường sông, nhưng nhiều năm nay, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng ăn sâu vào xã này. Tượng Văn có 8 thôn thì chỉ có 2 thôn gần chân núi, người dân khoan giếng là có nước để dùng, 6 thôn còn lại nguồn nước bị nhiễm mặn không thể sử dụng.
Do đó, hầu như gia đình nào ở xã này cũng phải xây bể ngầm từ 20 - 50 m3 để hứng nước mưa phục vụ ăn, uống. Còn nước sinh hoạt cho tắm giặt, phục vụ chăn nuôi… đều lấy từ các ao tù, nước đọng của các kênh, mương chảy qua địa bàn xã.
Quan sát dọc các con mương tưới trên địa bàn xã Tượng Văn, dù mùa này ăm ắp nước được xả từ hồ Yên Mỹ (cách xã Tượng Văn khoảng 20 km) về để phục vụ cấy hái, nhưng màu nước đục ngầu, rác thải lờ đờ, thậm chí thi thoảng còn phát hiện xác chết của động vật nổi lềnh bềnh. Nhưng đó là nguồn nước mà hàng ngàn người dân xã này đang phải bơm, hút từng ngày về để tắm, giặt.
Nhiều hộ thấy nguồn nước kênh tưới ô nhiễm không dám dùng, đành bơm nước ở các ao tù trong khuôn viên gia đình để sinh hoạt. Từ đầu năm 2020 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, không có mưa nên nước trong ao cũng cạn kiệt, chòi những đầu ống bơm khô khốc giữa nắng nóng. Không nước mưa, không nước giếng khoan, hơn 1.000 hộ dân ở Tượng Văn phải bỏ tiền ra mua nước hằng ngày. Nước được người dân chở từ xã khác đến bán với giá trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/m3.
Ông Đồng Huy Hoàng (45 tuổi, ngụ tại thôn Thọ Xương, xã Tượng Văn) cho biết, gia đình ông có 4 khẩu, tháng nào cũng mất từ 500.000 - 700.000 đồng để mua nước ngọt phục vụ ăn, uống.
“Chắc chả đâu ở cái tỉnh Thanh Hóa này, dân lại khổ sở vì nước ngọt như chúng tôi đâu. Ngày trước, nguồn nước ngầm chưa bị nhiễm mặn, nước mưa, rồi nước từ các con kênh, mương còn trong sạch, dân chúng tôi lấy về lọc để sử dụng. Nhưng nhiều năm nay, nước ngầm nhiễm mặn, các nguồn nước mặt ô nhiễm trầm trọng khiến cuộc sống dân chúng tôi khốn khổ vô cùng. Không còn cách nào, đến nước ao tù, nước kênh mương cũng đành lấy về tắm, giặt chứ biết làm sao bây giờ”, ông Hoàng nói.
Cảnh sống thiếu nước sinh hoạt ở xã Tượng Văn dường như đã là điều đương nhiên của bao thế hệ người ở đây. Khi được hỏi về việc đề nghị các ngành, các cấp quan tâm để có nước sạch, ai cũng lắc đầu ngao ngắn vì “nói mãi cũng thế thôi”.
Bà Nguyễn Thị Hiền (57 tuổi, ngụ tại thôn Thọ Xương, xã Tượng Văn) nói: "Nhà tôi có cái ao trong khuôn viên gia đình, rộng chừng 50 m2, nhưng mấy năm nay mục đích không phải thả cá, mà để lấy nước sinh hoạt. Biết là nước ao tù không sạch sẽ gì, nhưng không lấy nước đó mà tắm, giặt, nuôi trồng thì biết lấy ở đâu?! Mua nước thì cũng đủ tiền mua để ăn, uống chứ tiền đâu ra mà mua nước tắm, giặt. Nói thật, nhiều tháng còn phải bớt ăn, bớt mặc để mua nước về ăn, uống. Còn ý kiến với các cấp thì kêu mãi, nói mãi cũng thế thôi. Hết ý kiến trong họp hội đồng nhân dân, rồi tiếp xúc cử tri, cũng có nước sạch đâu?”.
Chưa biết khi nào dân mới có nước sạch
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ hơn 5.000 người dân xã Tượng Văn, mà nhiều xã khác ở H.Nông Cống, người dân cũng chưa có nước sạch sử dụng. Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư dự án nhà máy nước sạch cho 13 xã của H.Nông Cống, trong đó có xã Tượng Văn.
Dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển - Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam (có trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, nhà máy hoàn thành và cấp nước cho người dân vào cuối năm 2019, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được tường rào bao quanh, một số ao chưa nước và một số hạng mục khác.
Ông Lê Anh Thế, Phó chủ tịch UBND xã Tượng Văn, cho biết thực trạng người dân trong xã thiếu nước sinh hoạt là rất bức thiết, nhưng không có cách nào khác. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành, đơn vị nhanh chóng hoàn thành nhà máy nước sạch, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành nhà máy.
“Gia đình tôi cũng như hàng ngàn hộ ở xã Tượng Văn bao đời nay sống bằng nguồn nước mưa, nước mặt của ao, kênh mương. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay, nguồn nước càng khan hiếm, cạn kiệt do nắng nóng, khô hạn. Năm 2018, 13 xã của huyện, trong đó có Tượng Văn, được đầu tư nhà máy nước sạch, những tưởng sắp thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt thì nhà máy lại chậm tiến độ. Đến nay, chúng tôi cũng không biết khi nào nhà máy mới hoàn thành, khi nào người dân ở xã chúng tôi mới có nước sạch để dùng”, ông Thế nói.
Bình luận (0)