“Mua tận gốc, giao tận ngọn”
Sau tin nhắn của ông chủ xe dịch vụ Đ.A trên một nhóm cộng đồng dân cư hơn 600 thành viên tại Q.Tân Bình, TP.HCM, các “đơn hàng” ồ ạt đổ về. Người hứa mua giúp khẳng định mua các loại rau củ loại 1, tất nhiên không có lấy lãi, hóa đơn vựa ghi sẽ chuyển lên nhóm rõ ràng. Nhiều người đăng ký mua hàng quá, cuối cùng, một cư dân trong nhóm đứng ra làm đầu mối ghi ghép nhu cầu mua rau củ của mọi người. Người ghi chép lượng hàng đặt cũng hết sức bài bản chuyên nghiệp, kẻ ô bản excel ghi rõ tên địa chỉ người mua, số lượng từng loại chi tiết.
Trung bình mỗi loại được đăng ký mua từ 2 - 5 kg. Mọi người đều có chung lý do ngại ra chợ truyền thống vào thời điểm này do chợ đang… “giăng dây”. Hàng tạ sau củ quả đã được các bà nội trợ “book” chỉ sau 3 ngày. Thứ bảy, giá báo từ Đà Lạt về từ 14.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại. Tối chủ Nhật, xe chở thẳng hàng từ chợ Đà Lạt về khu dân cư. Mọi người lại xếp hàng chờ cân lấy hàng, chuyển khoản tiền cho người ứng sau.
Chủ xe lội vào chợ sỉ rau củ quả Đà Lạt mua và chở về tận cửa cho cư dân
|
Bao gồm 100 kg khoai lang Nhật giá 18.000 đồng/kg, 70 kg khoai lang mật giá 25.000 đồng/kg, 60 kg cà rốt giá 20.000 đồng/kg, 30 kg su su giá 14.000 đồng/kg, 50 kg khoai tây giá 23.000 đồng/kg, 60 kg đậu que giá 20.000 đồng/kg, 50 kg cải thìa giá 15.000 đồng/kg và 20 kg bí hồ lô giá 18.000 đồng/kg. Tổng cộng đơn hàng hơn 9 triệu đồng với gần 5 tạ rau củ quả từ Đà Lạt.
Sau đợt rau củ quả “mua chung” gần 5 tạ trên, các khu chợ quanh khu vực vẫn chưa được gỡ dây, để đáp ứng nhu cầu rau ăn hằng ngày, trong nhóm lại có người mua gom rau từ nhà vườn Củ Chi về với số lượng ít nhất 1 kg, giá 25.000 đồng/kg cho các loại rau xà lách, cải xanh, cải ngọt, cải bẹ, rau muống và mồng tơi. Báo ngày hôm trước, hôm sau có hàng. Rau về giao thực tế tươi xanh ngon và có cả thông tin chủ vườn rau thuộc hợp tác xã nào.
Gần 5 tạ rau củ quả "chễm chệ" trên xe limouse từ Đà Lạt tiến về TP.HCM
|
Tương tự, có vườn rau ở Hóc Môn chuyên bỏ sỉ cho chợ đầu mối nông sản và một số siêu thị. Chị Sơn (Q.Tân Bình) cho biết do chợ đầu mối hoạt động cầm chừng và thương lái ép giá vì dịch, nhu cầu giảm nguồn rau tại vườn nhà tồn khá lớn. Nếu không tiêu thụ kịp phải nhổ bỏ, thậm chí có hôm xe rau đi chợ không bán được phải đổ bỏ cả xe. Lái vào ép giá rau 1.000 đồng/kg trước thời điểm dịch, trong khi mức giá trung bình mà nhà vườn phải chi phí lên 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trước hôm đóng cửa chợ đầu mối, thương lái vào tận nhà thu mua giá 15.000 đồng/kg khiến các nhà vườn rộn ràng cắt rau bán, nay không ai vào hỏi mua.
Combo rau 5 loại giá 60.000 đồng
|
Cuối cùng, chị Sơn quyết định mở kênh bán lẻ theo giá sỉ thông qua giới thiệu của bạn bè, người quen trên
mạng xã hội để giúp vườn tiêu thụ rau. Combo chị đưa ra giá khá mềm, 60.000 đồng/5 kg với 5 loại rau khác nhau gồm cải thìa, cải xanh, cải ngọt, mồng tơi… rẻ 1/3 so với giá ngày thường trước khi có dịch. Để rau tươi đẹp, sau khi chốt số lượng các đơn hàng, nhà vườn cắt rau từ 24 giờ đêm và sáng 5 giờ tập kết để bán, huy động lực lượng bán ra hết cả nhà. Chị cho biết: “Thà chịu cực chút có rau xanh cho mọi người và mình cũng bán được hàng còn hơn là đổ bỏ. Với combo 60.000 đồng/5 loại, nhiều bà nội trợ đặt mua 2 - 5 combo. Thậm chí, giới thiệu cho nhiều bạn bè cùng cơ quan mua số lượng đặt hàng lên đến 30 - 50 combo mỗi đơn vị.
Sang hơn, chị Thanh mua combo có gà giá 148.000 đồng
|
Chị Thanh (Q.3, TP.HCM), một trong khách hàng mua combo rau 5 món này và giới thiệu cho bạn bè cơ quan mua tiếp 30 combo rau cho hay: “Do ảnh hưởng dịch, chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, chợ truyền thống cũng giới hạn, giá rau tại chợ có nhích lên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cách tổ chức bán rau theo dạng “mua chung”, combo thế này cực kỳ linh động và tiện lợi cho bà nội trợ. Đặc biệt, nguồn rau sạch rõ ràng, giá lại rẻ hơn cả rau mua ngoài chợ, nên chúng tôi yên tâm”.
Giá rau tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi không biến động
Thực tế, khi thông tin một số chợ truyền thống tạm đóng cửa hoặc mua bán phải giãn cách, hạn chế lượng người vào ra chợ mỗi ngày, nhiều người có nhà vườn trồng rau hoặc các mối bạn bè có rau tại khu vực quanh TP.HCM cũng tổ chức “mua chung” với giá rẻ không ngờ, nếu so với giá rau tại chợ và cả siêu thị.
Đối với một số trang bán hàng qua Facebook, giá rau vẫn không thay đổi nhiều so với trước. Trang GOxFood (TP.HCM) báo ổn định giá rau Đà Lạt các loại so với trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách ở chợ. Giá rau bó xôi 60.000 đồng/kg; bắp cải trái tim, cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, bầu sao, bí đao, rau dền… đồng giá 30.000 đồng/kg; cà chua, cà rốt, dưa leo 35.000 đồng/kg….
Rau củ quả đầy ắp siêu thị, cửa hàng tiện lợi
|
Chợ tạm bị ngừng hoạt động, hàng loạt chợ truyền thống ở nhiều nơi cũng tạm ngưng để phòng chống dịch bệnh
Covid-19 khiến
người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên theo khảo sát của
Thanh Niên, hàng hóa ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn đầy ắp và giá cả ổn định từ đầu tuần đến nay. Chẳng hạn tại Bách hóa Xanh, giá rau xanh an toàn 4K (không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không giống biến đổi gen) được bán đồng giá 13.000 đồng/bó 500 g, từ rau mùng tơi, cải bẹ xanh đền cải ngồng, rau muống, cải thìa, rau dền, cải ngọt... Bên cạnh đó, các loại bí đỏ, bí ngòi, bí xanh, cà rốt, khoai tây, cà tím, dưa leo... cũng đầy đủ với giá không thay đổi. Tương tự, tại một số cửa hàng, siêu thị ở quận 7 như
VinMart, Lotte Mart, BigC, Co.opmart, Satrafoods các loại thịt cá, rau củ quả luôn đầy đủ. Đó là chưa kể, xung quanh một số chợ tạm, những người bán vỉa hè, xe đẩy cũng tranh thủ bán vào sáng sớm (khoảng từ 6 - 8 giờ sáng) với đầy đủ các loại rau củ quả, trái cây...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều bà nội trợ vốn có thói quen đi chợ, ít đi siêu thị, trong những ngày dịch bệnh, lại càng ngại vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị chỉ vì… phải
khai báo y tế “rách việc”. Bà Kim (quận 7) cho biết có thói quen đi chợ, nay chợ tạm đóng cửa, bà đi mua rau ở cửa hàng Bách hóa Xanh và Co.op Smile gần nhà. Tuy nhiên, điều bà thấy “bất tiện” nhất là vào mua 5 cây sả phải khai báo y tế, sát trùng, đo
nhiệt độ. Về nhà quên quay lại mua 2 quả chanh, bịch ớt lại phải thực hiện các thủ tục phòng chống bệnh như 15 phút trước đó vừa làm. Bà thật thà nói: “Trước đây các cửa hàng này chỉ đo nhiệt độ, sát trùng tay nhưng vài ngày gần đây đều phải khai báo y tế. Tui lớn tuổi nên không biết khai qua điện thoại di động thế nào, lại dùng điện thoại cục gạch, nên nhân viên cửa hàng hỗ trợ. Dù vậy cũng thấy phiền hà nên thỉnh thoảng vào sáng sớm đi ra chợ tạm để kịp mua ít rau xanh cho nhanh hơn dù có loại rau bên ngoài đắt hơn”.
Bình luận (0)