Khát vọng bên vườn dưa lưới tiền tỉ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/01/2022 06:05 GMT+7

Cắt trái dưa lưới vỏ mỏng, ruột vàng đậm, ngọt lịm, anh cắn miếng dưa rồi gật gù, mặc những giọt mồ hôi vương đầy trên trán. Sau 2 năm kiên trì với nông nghiệp sạch , trái ngọt đã mỉm cười.

Đó là Hứa Thanh Phú (36 tuổi), Bí thư Chi đoàn ấp Chính Nhứt, xã Long Phụng, H.Cần Giuộc, Long An. Đang kinh doanh bất động sản, từ một câu nói “dưa lưới Việt Nam mà ăn cái gì, nhạt hoét”, Phú thấy đam mê chinh phục trỗi dậy. Yêu thích nông nghiệp, có “gan” khởi nghiệp, năm 2019, anh đã làm nên thương hiệu dưa lưới Long Phụng ngọt lịm, ai ăn một lần cũng nhớ.

Anh Phú bên vườn dưa lưới thủy canh

Thúy: Hằng

Dưa lưới thủy canh

Anh dẫn chúng tôi đi một vòng các nhà màng trồng dưa lưới. Lúc này, nhân viên đang thu hoạch dưa bán dịp tết dương lịch. Còn nhiều nhà đang lúc lỉu những trái dưa căng tròn, đợi đến Tết Nguyên đán có thể thu hoạch. Hệ thống máy bơm tự động mang dung dịch dinh dưỡng thủy canh đi nuôi hàng ngàn gốc dưa. Phú nói anh chọn thủy canh, bởi đầu tư cơ sở vật chất một lần, dùng được 3 - 5 năm, tiết kiệm nhân công. Nhà màng cũng giúp dưa không bị côn trùng phá hoại.

Chuyển sang nghề tay trái làm nông nghiệp, anh có sự hỗ trợ kỹ thuật của một người bạn am hiểu lĩnh vực này. Đồng thời, anh tự mày mò nghiên cứu qua các tài liệu, sách hướng dẫn. Để chọn ra 2 giống dưa lưới là đế đặc mật và HL05 để phát triển, anh đã phải trồng thử, ăn thử khoảng 15 giống dưa. Loại thì ruột quá mềm, loại quá nhạt, loại để được vài ngày thì dưa không còn giòn.

“Có lần thu hoạch không đạt tiêu chuẩn, tôi chấp nhận để hết ở nhà ăn, không bán. Hơn 100 trái dưa, mỗi trái mấy ký, ăn không xuể thì ép nước uống dần”, anh kể.

Dưa lưới của Phú có loại 1,5 kg đã cho thu hoạch. Có loại để tới 3,5 kg mới đạt yêu cầu về độ ngọt. Khi cuống nứt ra, có thể cắt, nhân viên dán tem nhãn, giao tận tay khách hàng, hoặc người mua cũng có thể vào tận vườn hái cho “đã” tay. Dịp tết này, dưa lưới trồng được bao nhiêu đã có người đặt hàng hết bấy nhiêu. Có người ăn một lần, về sau gọi điện đặt mua 60, 70 trái để biếu, tặng.

Trên mỗi trái dưa đều được dán mã QR để truy xuất nguồn gốc. Dưa lưới Long Phụng của anh đã được đăng ký sở hữu trí tuệ của Sở Khoa học - Công nghệ Long An. Đồng thời, anh còn đăng ký OCOP (mỗi xã một sản phẩm) với mong muốn dịp lễ, tết, Long An tổ chức các hoạt động hội chợ, nông sản sân nhà sẽ được khẳng định chỗ đứng.

Khách thăm mô hình nông nghiệp của anh Phú

NVCC

Nhiều “lỗ mũi” để thở

Đại dịch Covid-19 kéo theo bao điều bất ngờ. Một nghề thì sống, đống nghề càng sống khỏe, nên hiện tại Phú không chỉ trồng mỗi dưa lưới. Anh là giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Phụng, vừa kinh doanh bất động sản vừa nuôi tôm, sắp tới trồng rau, nuôi ốc. Anh nói nên tạo ra nhiều sản phẩm trên diện tích mình có. Sản phẩm này bán chậm, chắc chắn sẽ còn mặt hàng kia gỡ lại. Do đó, “nhiều lỗ mũi để thở” sẽ không bao giờ khiến mình chết ngạt.

Hiện Phú đang có gần 2.000 m2 đất trồng dưa lưới. Dưa có thể thu hoạch sau 65 - 80 ngày trồng. Mỗi 1.000 m2 có thể thu về hơn 3 tấn dưa, một năm thu hoạch 4 - 5 vụ dưa.

Ngoài ra, anh còn có 1.600 m2 ao nuôi tôm thẻ. Một năm thu hoạch được 3 vụ tôm. Hiện còn khoảng gần 3.000 m2 đất chưa khai thác, thời gian tới anh sẽ trồng rau an toàn, nuôi ốc bươu đen, nuôi cua đồng, làm nhiều vườn hoa, tạo tiểu cảnh để sắp tới bạn trẻ có thể lại đây cắm trại, chụp hình, thăm đồng quê…

Quan điểm của anh là vừa làm vừa lắng nghe thị trường, không ồ ạt mở rộng. Phú nhẩm tính sơ sơ, chi phí ban đầu anh bỏ ra đầu tư cho nông nghiệp khoảng hơn 1 tỉ đồng, song mỗi năm lợi nhuận được hơn 500 triệu đồng.

Một phần diện tích ao nuôi tôm của anh Phú

Thay đổi tư duy từ học sinh

Vườn dưa lưới thủy canh của Phú đã đón khách vào thăm từ khi đón mùa quả ngọt đầu tiên. Rất đông học sinh, sinh viên các trường tại Long An, TP.HCM xuống thăm, các gia đình có con nhỏ ở các huyện tại Long An cũng thoải mái thăm nhà màng trồng dưa, tự tay hái dưa, ăn thử và mua về làm quà.

Phú không bán vé vào cổng. Anh nói để chính việc tận mắt quan sát cách làm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ và cho giá trị kinh tế cao sẽ truyền cảm hứng tích cực cho những người trẻ để có thể các em sau này cũng khởi nghiệp giống như anh. Hoặc những người trẻ thay đổi tư duy cách làm nông nghiệp của chính ông bà, cha mẹ mình giúp người nông dân không còn quá vất vả.

Phú tâm sự: “Nhiều nơi thanh niên cứ bỏ hết làng quê mà đi vào TP làm công nhân, lương thì thấp, ruộng vườn quê nhà bỏ hoang cỏ mọc, tôi rất xót. Có người nói 2.000 - 3.000 m2 đất thì nuôi, trồng được gì. Có chứ. Con ốc bươu đen rồi cua đồng, nhu cầu rất cao, vốn ít, thu lời nhanh. Thời gian qua, tôi cũng hướng dẫn nhiều bà con có thể lấy rơm rạ trồng nấm, còn lại ủ làm phân; người nuôi gà thì có thể tận dụng phân gà để trồng rau, tạo ra nhiều sản phẩm hơn”.

Mô hình dưa lưới an toàn và kế hoạch phát triển Hợp tác xã nông nghiệp Long Phụng của Phú vừa vào tới vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2021 của T.Ư Đoàn…

Phú bộc bạch: “Ước mơ của tôi là liên kết các hợp tác xã nông nghiệp trong Long An lại với nhau, để cùng phổ biến quy trình, phát triển những nông sản ngon, sạch như ngò rí, dưa lưới, rau… để có thể xuất khẩu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.