‘Khẩu chiến’ dữ dội tại hội đàm Mỹ-Trung ở Alaska

Khánh An
Khánh An
19/03/2021 07:27 GMT+7

Truyền thông bất ngờ được ở lại để tiếp tục theo dõi thêm màn “đấu khẩu” tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung, thay vì phải rời đi sau phát biểu khai mạc của hai bên.

Hãng Reuters ngày 19.3 đưa tin các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc gay gắt chỉ trích nhau trong cuộc gặp lần đầu dưới thời Tổng thống Joe Biden diễn ra tại Alaska (Mỹ).
Những phát biểu phê phán chính sách của đối phương ngay trong phiên khai mạc là sự thể hiện công khai hiếm thấy về mối quan hệ căng thẳng sâu sắc giữa 2 bên.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi hành vi nếu muốn cải thiện mối quan hệ song phương, còn Bắc Kinh cho rằng Washington hoàn toàn ảo tưởng nếu muốn đối phương thỏa hiệp.

Đại diện Mỹ, Trung Quốc khẩu chiến tại hội đàm Alaska

Trước ống kính của báo giới, hai bên chỉ trích qua lại, với sự hiện diện của Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đại diện phía Mỹ; và Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về những quan ngại sâu sắc của chúng tôi về những hành vi của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, những cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và cưỡng ép kinh tế nhằm vào các đồng minh của chúng tôi”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu.
“Mỗi hành động này đều đe dọa trật tự dựa trên pháp luật vốn duy trì sự ổn định toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Sau phần phát biểu của ông Blinken, ông Dương đáp trả với bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Hoa, trong khi phía Mỹ chờ thông dịch, chỉ trích cái mà ông gọi là nền dân chủ chật vật của Mỹ và sự ngược đãi người thiểu số.
“Mỹ dùng sức mạnh quân sự và bá quyền tài chính nhằm mở rộng thẩm quyền và chèn ép các nước khác. Mỹ lạm dụng cái gọi là an ninh quốc gia để cản trở giao thương bình thường, và kích động một số nước công kích Trung Quốc”, ông Dương trả đũa.
Sau phần phát biểu của ông Dương và các trợ lý đang mời truyền thông rời đi, Ngoại trưởng Blinken bất ngờ cho phép họ tiếp tục ở lại để có thể chứng kiến ông phản ứng.
Ông Blinken nói rằng trong các cuộc điện đàm với gần 100 đối tác, ông đã “nghe được sự hài lòng sâu sắc với Mỹ đã trở lại, rằng chúng tôi đã tham gia trở lại với các đồng minh và đối tác”.
“Tôi cũng nghe những quan ngại sâu sắc về một số hành động mà chính phủ các vị đang tiến hành”, Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Ông khẳng định chính phủ Mỹ cam kết dẫn đầu về ngoại giao nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ cũng như củng cố trật tự quốc tế dựa trên pháp luật. “Hệ thống đó không phải là trừu tượng. Nó giúp các nước giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa, phối hợp các nỗ lực đa phương một cách hiệu quả và tham gia vào thương mại toàn cầu với sự đảm bảo rằng mọi người đều theo cùng hệ thống luật lệ”, ông phân tích.
“Việc thay thế trật tự dựa trên pháp luật là một thế giới mà kẻ mạnh là đúng đắn và kẻ thắng có tất cả. Và đó sẽ là một thế giới bạo lực và bất ổn hơn nhiều cho tất cả chúng ta”, ông nêu rõ.
Tại cuộc gặp, Cố vấn An ninh Sullivan nói rằng Mỹ không muốn mâu thuẫn với Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ những nguyên tắc và bạn bè.

Hội đàm bộ trưởng Mỹ - Nhật: Washington "sẽ đáp trả" nếu Trung Quốc cưỡng ép, gây hấn

Washington cho biết chuyến công du châu Á của các quan chức cấp cao trước đó, cũng như sự phối hợp với châu Âu, Ấn Độ và các đối tác khác cho thấy Mỹ đã củng cố khả năng đương đầu với Trung Quốc sau khi ông Biden nhậm chức.
Giới quan sát cho rằng tại cuộc gặp ở Alaska, đại diện Mỹ và Trung Quốc có rất ít vấn đề có thể thống nhất. Dự kiến cuộc gặp kéo dài đến ngày 19.3 (giờ địa phương).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.