Khi bắt gặp ‘Bà Đỡ’, nhà thơ Nguyễn Duy tự thú 'như có ma lực ám ảnh’

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
15/11/2022 16:17 GMT+7

“Ký ức trong Bà Đỡ như dòng sông vặn mình chảy chậm, lúc đục, lúc trong, lúc sóng gió, lúc bình yên, nhưng luôn lắng đọng cái tình. Như có ma lực, Bà Đỡ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày", nhà thơ Nguyễn Duy thú nhận.

Tác phẩm mới Bà Đỡ của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh (do NXB Trẻ vừa ấn hành), gồm có ba phần. Phần đầu, kể chuyện bà ngoại là chủ yếu, đã chiếm đến một nửa dung lượng bản thảo. Hai phần sau, Chuyến du lịch đầu tiênCô Tí Hon, kể chuyện những người thân khác trong gia đình. Xa, là chuyện về thời con gái của người mẹ đẻ, tức cô Tí Hon, giờ đã ngoại cửu tuần; gần, là chuyện về những đứa cháu, con cháu của cô Hon, đứa em gái có dòng máu Tây lai mà vợ chồng cô Tí Hon nhận nuôi thuở trước.

Khi bắt gặp ‘Bà Đỡ’, nhà thơ Nguyễn Duy tự thú 'như có ma lực ám ảnh’ - Ảnh 1.

Tác phẩm Bà Đỡ của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh (do NXB Trẻ vừa ấn hành)

NXB TRẺ

Khi bắt gặp ‘Bà Đỡ’, nhà thơ Nguyễn Duy tự thú 'như có ma lực ám ảnh’ - Ảnh 2.

"Như có ma lực, Bà Đỡ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày", nhà thơ Nguyễn Duy thú nhận

NVCC

Tuổi thơ - cái tuổi không có tuổi, cứ theo ta đi đến hết đường đời

Đọc bản thảo tập sách, nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng: “Luôn có một giọng kể nghèn nghẹn như kìm nén nỗi xúc động khi nhớ lại những cơ cực oan trái, những hy sinh thầm lặng, những trớ trêu sự đời trong cuộc đời và số phận những người thân trong gia đình của tác giả. Đọc xong Bà Đỡ, tôi lâng lâng lục lọi cảm xúc. Tập sách nhỏ gợi liên tưởng rộng lớn. Hóa ra, thời tuổi thơ là thời bền vững nhất đời người. Khi về già ta lại gặp tuổi thơ. Tuổi thơ - cái tuổi không có tuổi, cứ theo ta đi đến hết đường đời. Ký ức tuổi thơ không thể xóa và không bao giờ cũ - sừng sững một ngôi trường vĩnh cửu, định hình khung nhân cách cho ta, và lưu giữ giùm ta bao bài học làm người…Bao trùm cuộc sống kham khổ nơi làng quê nghèo khó trong Bà Đỡ, là không gian thơ mộng của giấc mơ - êm đềm, nền nếp, ấm áp tình người, rộn rã tiếng cười con trẻ và chan hòa hoa lá, chim muông. Đích thị là không gian cổ tích".

Khi bắt gặp ‘Bà Đỡ’, nhà thơ Nguyễn Duy tự thú 'như có ma lực ám ảnh’ - Ảnh 3.

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh - tác giả cuốn sách Bà Đỡ

NVCC

Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường thì có góc nhìn khác: “Để cho nhân vật cái Tí kể phần lớn câu chuyện (từ lúc lên 5 tuổi) cho thấy tác giả đã không vô tình khi sử dụng cách kể theo kiểu ‘nhìn đời qua mắt trẻ thơ’. Qua cái nhìn khách quan và giọng kể ngây thơ, ‘vô tâm’ của những đứa trẻ, những tính cách người bộc lộ sâu sắc hơn, tính chân xác của các sự kiện lịch sử không chỉ không bị làm nhẹ đi mà còn được nâng cao hơn. Tất cả những điều này làm nên sức hút của Bà Đỡ”.

Nhà văn Lê Minh Hà nhận xét về tác phẩm, rằng: “Đi qua những hồn nhiên còn giữ được nhờ thương yêu trong tuổi nhỏ, trong tuổi mới lớn ngặt nghèo của mình, của anh chị em cùng một nhà, của thế hệ mình rồi trở lại với niềm thanh thản chỉ người trí lực mới đạt tới khi có tuổi, Đào Tuấn Ảnh dẫn người đọc lần từng bước qua những cuồng phong lịch sử hội tụ trong phận người. Đọc, thấy dòng chảy của không giản đơn là huyết mạch ruột rà sinh học, mà là huyết mạch yêu thương. Đọc, lần thứ hai, tắt máy, ra phố. Tôi phải ra với phố. Theo tôi là nỗi bùi ngùi nhỏ giọt từ những chữ vừa đọc được. Những thân bạch dương vỏ trắng nứt nẻ, sạm lại vì sương nắng đã lá đã hoa, nghiêng theo nắng qua mùa. Im lặng. Dịu dàng. Thênh thang.

Như nỗi buồn. Như những đời người vừa đi qua, muốn quên được thì còn khướt. Cái từ còn khướt cũ kỹ nhà quê này bà Đào Tuấn Ảnh dùng, lâu lắm rồi tôi không nghe”.

Khi bắt gặp ‘Bà Đỡ’, nhà thơ Nguyễn Duy tự thú 'như có ma lực ám ảnh’ - Ảnh 4.

Đào Tuấn Ảnh dẫn người đọc lần từng bước qua những cuồng phong lịch sử hội tụ trong phận người. Đọc, thấy dòng chảy của không giản đơn là huyết mạch ruột rà sinh học, mà là huyết mạch yêu thương

NXB TRẺ

Để rồi sau những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, cuối cùng cuốn sách Bà Đỡ cũng có cái kết thật có hậu: “Bà Đỡ không phải là một sự soát xét long trọng tất thảy những gì đã xảy ra trong cuộc đời của người viết. Nó cũng không phải một cuộc tính sổ những bất công oan trái trong quá khứ. Nó là sự trân trọng những người tử tế những việc tử tế. Trân trọng cùng với sự chực chờ của một cái cười hài hước, một niềm lạc quan vào dòng sống không ngừng tuôn chảy”, nhà phê bình văn học Hoài Nam đúc kết.

PGS.TS Đào Tuấn Ảnh – tác giả cuốn sách mới Bà Đỡ do NXB Trẻ vừa ấn hành là nhà nghiên cứu, dịch giả, tốt nghiệp đại học và nhận bằng phó tiến sĩ ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov, làm việc tại Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trong lĩnh vực dịch thuật, những tác phẩm dịch tiêu biểu gồm:

- Văn học hậu hiện đại thế giới. Những vấn đề lí thuyết (sách in chung)

- Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (sách in chung)

- Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỷ XX. Khái niệm và thuật ngữ (sách in chung)

- Lí luận-phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (sách in chung)

- Truyện ngắn đương đại Nga

- Các nhà thơ giải Nobel (1901-2006) (sách in chung)

- Các nhà văn Nga giải Nobel (sách in chung)

- A.Solzenitsin. Một ngày của Ivan Denisevich

- F.Dostoevski. Người chồng vĩnh cửu

- Ngữ pháp tình yêu. Tuyển truyện ngắn Nga thế kỉ XX (chủ biên và dịch)

- A.Chekhov. Tuyển tập truyện ngắn, truyện vừa

Trong lĩnh vực nghiên cứu PGS.TS Đào Tuấn Ảnh, tác giả cuốn sách mới Bà Đỡ đã có 15 đầu sách nghiên cứu xuất bản trong và ngoài nước (in chung và in riêng); 45 công trình, bài nghiên cứu, phê bình về văn học và nghệ thuật rất có giá trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.