Khi các nhà hát 'hướng ngoại'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/08/2023 07:20 GMT+7

NSƯT Sĩ Tiến gọi hiện tượng một số nhà hát kịch hợp tác với nước ngoài để dựng vở trong thời gian gần đây là "hướng ngoại".

Nhạc kịch, kịch chuẩn quốc tế

Nhạc kịch Đứa con của yêu tinh vừa ra mắt sau 2 năm triển khai dàn dựng (2022 - 2023). Đây là sản phẩm hợp tác của Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc). Ê kíp thực hiện gồm các chuyên gia sân khấu, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, diễn viên Hàn Quốc và nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ. "Vở diễn được dàn dựng theo quy chuẩn nhạc kịch đang rất thịnh hành tại Hàn Quốc và trên thế giới. Các nhạc sĩ Hàn Quốc đã sáng tác những ca khúc có độ tinh tế, lay động và vô cùng truyền cảm cùng với sự hợp tác biểu diễn bằng lời Việt của các ca sĩ VN. Trước đó, tác phẩm đã rất thành công tại Hàn Quốc và được nhà sản xuất tuyển chọn giới thiệu lần đầu tiên tại VN", NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), cho biết.

Khi các nhà hát 'hướng ngoại' - Ảnh 1.

Vở Đứa con của yêu tinh được dựng theo chuẩn nhạc kịch Hàn Quốc

Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp

Trước đó, Nhà hát Kịch VN cũng có dự án nhạc kịch Alice ở xứ sở diệu kỳ vào tháng 10.2022. Vở nhạc kịch có sự tham gia của Australian Institute of Music (Viện Âm nhạc Úc, ngôi trường giảng dạy về nghệ thuật lâu đời nhất tại nước này). Nghệ sĩ Nicholas Gentile của viện này là trợ lý của dự án, một biên đạo múa người nước ngoài là Samantha Cruz cũng tham gia dàn dựng phần múa cho vở.

Với kịch nói, số lượng vở hợp tác với nước ngoài của hai nhà hát trên còn nhiều hơn nhạc kịch. Nhà hát Kịch VN vừa có vở diễn Bến không chồng dàn dựng cùng chuyên gia Hàn Quốc. Vở diễn đã tới Hàn Quốc cuối năm ngoái và đang trong quá trình chuẩn bị để diễn tại VN. Đạo diễn Kim Min-jeong cho biết câu chuyện kịch mang ý nghĩa nhân văn, là góc nhìn bao dung về thân phận người phụ nữ, đặc biệt người phụ nữ thời hậu chiến, họ khát khao hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Năm nay, nhà hát cũng có dự án với Đại sứ quán Algeria để dựng vở Người đi dép cao su của tác giả Kateb Yacine. Vở diễn Người đi dép cao su không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người VN.

Quan trọng là Hàn Quốc đã tạo được công nghệ, đưa vào quá trình sản xuất tác phẩm sân khấu. Tôi thấy họ loại bỏ những rườm rà, tập trung vào điều cốt yếu.

NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Nhà hát Tuổi trẻ lại có một đạo diễn Nhật "nằm vùng" tại VN trong mấy năm qua để cùng hợp tác dựng vở. Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi đã có vở Cậu Vanya với nhà hát này hồi năm 2019. Sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, ông lại tiếp tục dựng vở với Nhà hát Tuổi trẻ mà mới nhất là Hedda Gabler năm 2022.

Khi các nhà hát 'hướng ngoại' - Ảnh 3.

Vở Cậu Vanya có những ẩn dụ trên sân khấu

Học "công nghệ sản xuất" vở diễn

NSƯT Sĩ Tiến cho biết nhà hát của ông có nhiều kết nối chuyên môn với các nhà hát, nghệ sĩ nước ngoài. Có lúc, kết nối thực hiện qua Bộ VH-TT-DL, lúc lại qua các trung tâm văn hóa nước ngoài tại VN, hoặc qua cá nhân nghệ sĩ. Bản thân việc hợp tác dựng vở với nước ngoài cũng là một truyền thống của Nhà hát Tuổi trẻ. "Ngay từ những năm 2000, chúng tôi vẫn giữ các hợp tác với đạo diễn nước ngoài. Trước đó, từ những năm 1990, chúng tôi đã có vở với các đạo diễn Úc, Pháp, rồi Mỹ. Đấy là truyền thống sẵn có của nhà hát. Vấn đề là thông qua cách dàn dựng, môi trường nghệ thuật các nước khác nhau thì mình có thêm góc nhìn để xử lý các kịch bản", ông Tiến nói. Bản thân ông, năm 2017 cũng là đồng đạo diễn vở Con chim xanh với một đạo diễn người Bỉ.

Họa sĩ Doãn Bằng, Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết quá trình dựng vở với các đạo diễn nước ngoài cho ông thêm nhiều trải nghiệm về phương pháp dàn dựng thú vị. "Ngày xưa các đạo diễn tiền bối như NSND Đình Quang, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức đòi hỏi khắt khe nhưng theo kiểu khác… Còn bây giờ các đạo diễn nước ngoài là thế hệ đạo diễn mới, cách nhau gần nửa thế kỷ. Sân khấu thay đổi nhiều và chúng ta cũng học được cách mới là tạo sự đa dạng hơn. Ở Cậu Vanya, bàn ghế cũng biến thành các biểu tượng, được làm cỡ khổng lồ. Nhân vật cõng cái ghế trên lưng đi như là phải gánh một di sản. Khi bàn ghế thành một biểu tượng lớn như thế, mọi người diễn ở dưới có nghĩa là anh đang nằm dưới một di sản rất lớn. Cảnh có bão, mọi người chui dưới bàn ghế, được che chở", ông Bằng nói.

Với Cậu Vanya, Nhà hát Tuổi trẻ có một chùm giải tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019: giải vàng cho vở diễn, giải vàng cho nữ diễn viên Thu Quỳnh và nam diễn viên Đức Khuê. Tới Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2022 thì Hedda Gabler nhận huy chương bạc vở diễn.

Tuy nhiên, điều lớn nhất cả hai nhà hát này nhắm đến lại là học "công nghệ sản xuất" vở diễn. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, cho biết điều quan trọng nhất là ông muốn tham gia quá trình sản xuất vở diễn từ khi mới lên kế hoạch tới lúc biểu diễn. Việc học với các đồng nghiệp Hàn Quốc giúp ông hiểu sự chuyên nghiệp của họ, có thể áp dụng tại nhà hát mình.

Trong khi đó, ông Sĩ Tiến cho biết các nghệ sĩ Hàn Quốc cũng chia sẻ với ông trước khi thành công với nhạc kịch họ đã có 20 năm thất bại. "Họ thất bại là không bán được vé, rồi họ có phương pháp thực tế hơn, hiệu quả hơn để trở thành một cường quốc âm nhạc, trong đó có phần nhạc kịch. Quan trọng là Hàn Quốc đã tạo được công nghệ, đưa vào quá trình sản xuất tác phẩm sân khấu. Tôi thấy họ loại bỏ những rườm rà, tập trung vào điều cốt yếu. Làm vở vừa rồi cũng là đang dò đường. Chúng tôi phấn đấu tác phẩm quy mô lớn hơn, khán giả thỏa mãn hơn nữa", ông Tiến cho biết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.